Gia Lai: Độc đáo rượu quýt Kô Hai
Gia Lai: Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý hợp tác xã Gia Lai: Cả hệ thống chính trị vào cuộc quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch |
Trên 3 ha đất của gia đình, bà Hai trồng hơn 3.000 cây quýt đường theo hướng VietGAP. Năm 2021, vào thời điểm quýt khó tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà mày mò ủ men, tách vỏ, hạt và tìm cách làm ra loại rượu quýt có hương vị thật thơm ngon. Bà cho biết: “Tôi là người dân tộc Tày, gia đình có truyền thống nấu rượu từ khi còn ở Cao Bằng. Hiện giờ, tôi vẫn giữ được bí quyết ủ men, nấu rượu. Men rượu của tôi là sự kết hợp từ các loại lá, rễ, vỏ cây theo bí quyết của người Jrai và người Tày nên có sự khác biệt so với các loại men khác. Trước đây, tôi đã chế biến thành công các loại rượu như: nếp cẩm, bo bo, ổi…”.
Sau khi tìm hiểu, bà Hai nhận thấy nhiều bộ phận của quả quýt có chứa dược tính. Trong đó, vỏ quýt có chứa loại tinh dầu đặc biệt có tác dụng rất tốt cho hệ hô hấp, giảm đau xương khớp và kích thích tiêu hóa. Từ đó, trên nền công thức ủ rượu truyền thống, bà đã cố gắng tìm tòi cách ủ rượu từ quả quýt sao cho rượu vẫn giữ được tác dụng như một vị thuốc. “Tôi chọn hái những quả quýt chất lượng, rửa sạch, phơi ráo nước và tiến hành bóc tách vỏ, múi, hạt. Vì quá trình lên men của vỏ quýt và múi quýt khác nhau nên tôi phải ủ riêng làm 2 loại. Sau khi ủ khoảng 1 tuần, quýt dậy mùi thơm nồng mới mang ra vắt”-bà Hai chia sẻ. Cũng theo bà Hai, thời gian đầu do chưa biết cách ủ nên rượu quýt không đúng vị. Trải qua không ít lần thất bại, bà đã đúc rút được kinh nghiệm. Để rượu quýt có mùi thơm đặc trưng, trước tiên phải chọn những quả có độ chín vừa phải thì tinh dầu ở vỏ cũng như tép quýt mới đủ thơm và ngọt. Đặc biệt, là loại rượu vắt nên khi ủ cần canh men vừa đủ, không được nhiều quá hay ít quá dễ làm nguyên liệu bị hỏng, rượu sẽ bị chua và nhạt.
Bà Hai tiết lộ, để có những giọt rượu quýt có mùi thơm đặc trưng, trước tiên phải chọn những trái quýt có độ chín vừa phải. Ảnh: Mai Ka |
Theo bà Hai, vì chế biến rượu quýt hoàn toàn thủ công nên mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự kỳ công nhất định. Rượu quýt khi vắt xong, quan sát bằng mắt nếu thấy có màu vàng tươi của mật ong rừng là đạt, lúc ngửi sẽ nghe thoang thoảng mùi men dịu nhẹ vì độ cồn thấp, không hắc như những loại rượu nấu từ gạo. Khi uống vào thấy đầu lưỡi hơi tê tê, có vị ngọt thanh, đắng nhẹ và thoảng mùi thơm nồng của quýt tươi. “Cứ 10 kg quýt tươi sẽ chế biến được 7 lít rượu, bán ra với giá 100 ngàn đồng/lít. Với hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe, rượu quýt của tôi được rất nhiều người ưa chuộng. Để tạo thương hiệu, tôi đặt tên cho sản phẩm này là “Rượu quýt Kô Hai”-bà Hai chia sẻ.
Trang trại quýt đường chuẩn VietGAP của bà Hai hiện là nơi dừng chân hấp dẫn cho du khách gần xa khi đến huyện Chư Păh. Khi khách du lịch hay người thân, họ hàng xa ghé nhà chơi, bà Hai đều niềm nở mời nếm thử những ly rượu quýt do bà tự chế biến. Chị Nguyễn Thị Hải Anh-du khách đến từ TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nhận xét: “Đến trang trại của bà Hai, sau khi tự tay hái, thưởng thức những quả quýt tươi ngon, chúng tôi còn được tìm hiểu về quy trình chế biến rượu quýt. Loại rượu này nồng độ cồn thấp nên rất phù hợp dùng cho phụ nữ và người già trong việc hỗ trợ trị các loại bệnh thông thường. Ngoài mua quýt, chúng tôi còn đặt mua thêm rượu quýt về làm quà sau chuyến du lịch”.
Bà Nông Thị Hai chế biến thành công rượu quýt bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Mai Ka |
Ông Nguyễn Thế Chiến Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nhin-thông tin: “Trang trại của gia đình bà Nông Thị Hai có nhiều triển vọng với vườn cây ăn quả chuẩn VietGAP. Sau thời gian phát triển, bà Hai còn chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây sạch, trong đó có rượu quýt. Rượu quýt ở đây có vị ngọt nhẹ, thanh, thơm nồng và được nhiều người biết đến là sản phẩm sạch, chất lượng. Hiện nay, xã đang hỗ trợ gia đình bà Hai làm thủ tục để xây dựng sản phẩm quýt và các sản phẩm chế biến từ quýt thành sản phẩm OCOP”.
Nguồn: Độc đáo rượu quýt Kô Hai