Gia Lai: Du lịch học đường nhiều dư địa
Gia Lai: Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó Gia Lai: Người có uy tín chung sức xây dựng quê hương |
Đây chính là những dư địa để phát triển các loại hình du lịch phù hợp với mọi du khách, trong đó không thể không nhắc đến loại hình du lịch học đường.
Trải nghiệm gắn với học tập
Hoạt động trải nghiệm là một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12. Tùy vào từng chủ đề của môn học mà mỗi trường, mỗi giáo viên lại có cách cho học sinh trải nghiệm thực tế khác nhau. Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt (TP. Pleiku) là một trong những đơn vị triển khai khá đều đặn hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong suốt 5 năm học qua.
Hoạt động trải nghiệm tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện tiếp xúc với thực tế cuộc sống, làm phong phú thêm kiến thức cá nhân. Ảnh: Hoàng Phương |
Là người phụ trách lên nội dung, kế hoạch cho các hoạt động trải nghiệm của trường, cô Trịnh Thị Quỳnh Loan-Giáo viên Sinh học-Khoa học tự nhiên-cho biết: “Mục đích sau cùng của chuyến trải nghiệm là đáp ứng một cách phù hợp với từng chủ đề của môn học Hoạt động trải nghiệm. Tùy vào mỗi chủ đề mà nhà trường sẽ sắp xếp cho 1 hoặc nhiều khối lớp cùng tham gia trong chuyến đi trải nghiệm. Những năm qua, bằng cách kết nối với các đơn vị lữ hành để có sự chuyên nghiệp trong khâu chọn địa điểm và lên nội dung chương trình, đảm bảo an toàn trong khâu tổ chức, các chuyến tham quan, trải nghiệm của học sinh trong trường đạt được những kết quả tích cực, học sinh có thêm cơ hội thực hành, rèn luyện kĩ năng và hướng nghiệp”.
Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang). Ảnh: Hoàng Phương |
Theo cô Loan, 5 năm qua, học sinh của trường đã được đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, vườn quốc gia, các farm, trung tâm khoa học, vùng biển… Ngoài việc được trải nghiệm thực tế, học những điều mới lạ trong suốt hành trình, các em học sinh còn được trang bị rất nhiều kỹ năng từ làm việc nhóm, kỹ năng cắm trại, kỹ năng sinh tồn, bảo vệ môi trường cũng như ứng dụng các thiết bị công nghệ vào việc làm bài. “Sau mỗi chuyến đi, các em sẽ có bài thu hoạch theo nhóm. Thầy cô cũng cảm thấy bất ngờ khi các em rất sáng tạo và biết cách ứng dụng công nghệ thông tin để làm sinh động hơn bài thu hoạch”-cô Loan chia sẻ.
Em Đoàn Duy Hưng (lớp 10A1, Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt) bày tỏ: “Sau mỗi chuyến đi trải nghiệm, bên cạnh gắn kết hơn với bạn bè, thầy cô, có thêm kỷ niệm cho tuổi học trò, em còn được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm cũng như có thêm kiến thức, hiểu biết nhiều hơn từ thực tế. Điều đó giúp em áp dụng hiệu quả vào bài học của nhiều môn, nhất là Ngữ Văn, Sinh học…”.
Các em học sinh thích thú khám phá nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại homestay A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: A Ngưi |
Với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, để môn Hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả, việc tổ chức các chuyến tham quan thực tế theo từng chủ đề cũng được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) triển khai thực hiện thường niên. Cô Cao Thị Trang-Giáo viên môn Ngữ Văn, giáo viên cốt cán của tỉnh môn Hoạt động trải nghiệm-cho hay: Từ khi trường mới thành lập, việc triển khai các hoạt động trải nghiệm nhằm tăng thêm kiến thức thực tế cho học sinh luôn được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đông Gia Lai chú trọng. Những năm gần đây, tùy vào các chủ đề mà học sinh của trường được đi tham quan, trải nghiệm thực tế trong và ngoài tỉnh. Trong đó, các em được trải nghiệm thực hành các nghề truyền thống tại địa phương trong tỉnh như dệt, đan lát, diễn tấu cồng chiêng; tham quan các di tích lịch sử như Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê), Làng kháng chiến Stơr (huyện Kbang); mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại homestay A Ngưi hay tham quan tại Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)… Tất cả các em đều rất hào hứng với mỗi chuyến đi và gặt hái được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho bản thân, áp dụng vào bài học và định hướng nghề nghiệp sau này.
Mảnh đất màu mỡ
Là một địa chỉ quen thuộc thường được các trường học trong và ngoài tỉnh chọn làm điểm đến cho môn Hoạt động trải nghiệm, homestay A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để gắn kết, phát triển loại hình du lịch học đường. Anh Đinh Văn Ngưi-Chủ homestay-tâm sự: Suốt 5 năm qua, nhiều trường học đã phối hợp với homestay để tổ chức tour du lịch trải nghiệm cho học sinh, xem đây là hoạt động ngoại khóa định kỳ trong chương trình đào tạo. Tùy vào mỗi chủ đề mà lịch trình có thể kéo dài từ 1-2 ngày. Tại homestay của tôi, các em thường được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: dệt, đan lát, tạc tượng, tập hát dân ca, múa xoang, học đánh chiêng… Ngoài ra, homestay cũng đồng hành với các em đi tham quan các di tích, nhà lưu niệm, nhà truyền thống, trang trại, dã ngoại, ngắm thú đêm… nhằm giúp học sinh tiếp cận và tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa, thiên nhiên.
Vừa được trải nghiệm thực tế, các em học sinh vừa có thể làm bài tập ngay tại buổi tham quan. Ảnh: A Ngưi |
Đặc biệt, là điểm đến đậm chất văn hóa truyền thống đặc sắc, anh Ngưi cũng đón nhiều đoàn khách đến từ các trường THPT ở TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hoặc sinh viên của các trường cao đẳng, đại học đến trải nghiệm, tìm hiểu để phục vụ cho các bài thu hoạch, khóa luận hay nghiên cứu chuyên đề. Sắp tới, homestay của anh sẽ đón 1 đoàn khách là sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Theo yêu cầu của đoàn, homestay sẽ tổ chức phục dựng nhiều lễ hội truyền thống để phục vụ sinh viên nghiên cứu, ghi chép cũng như tổ chức các chuyến khám phá thiên nhiên như đi rừng, ngắm thác. “Tôi nhận thấy với bản sắc văn hóa vốn có cùng với thiên nhiên tươi đẹp, Gia Lai hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch học đường hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên”-anh Ngưi nhấn mạnh.
Cũng là đơn vị đồng hành cùng với nhiều trường học trong triển khai môn Hoạt động trải nghiệm, Công ty truyền thông du lịch Le Pleiku (TP. Pleiku) ngày càng cố gắng đa dạng hơn các nội dung, lịch trình nhằm đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty-cho hay: “Trung bình mỗi năm, Công ty tổ chức khoảng 10 tour tham quan, trải nghiệm cho các trường học trong tỉnh. Tùy theo yêu cầu của chủ đề mà có thể đi từ 1-2 ngày, lên rừng hay xuống biển, chọn điểm đến trong hay ngoài tỉnh. Điểm đặc biệt của loại hình du lịch học đường là vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh vừa phải đảm bảo nội dung học tập. Vì thế, kết hợp với các điểm đến tham quan thì trong các tour cũng lồng ghép nhiều hoạt động để rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh”.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều yếu tố rất phù hợp với loại hình du lịch học đường. Ảnh: Hoàng Phương |
Là một trong 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, hàng năm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang) cũng thường xuyên phối hợp với các trường học ở vùng đệm tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế với nhiều hoạt động hấp dẫn. Cánh rừng nguyên sinh, đa dạng sinh học, hệ thống thác ghềnh, khe suối phong phú chính là những điểm hấp dẫn của nơi này. Chị Vũ Thị Chinh-Phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) cho hay: Hàng năm, Trung tâm đều xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình tham quan học tập và trải nghiệm thiên nhiên tại Vườn cho học sinh các trường thuộc vùng đệm như Trường THCS Ayun, Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta, Trường THCS H’ra. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động như tham quan, tìm hiểu hình thái của lá cây rừng, vẽ tranh bằng lá cây, chơi các trò chơi vận động…
Ngoài ra, Vườn cũng đón tiếp rất nhiều đoàn tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của các trường học trong và ngoài tỉnh. Chương trình tham quan trải nghiệm thiên nhiên là cơ hội để học sinh được tiếp cận gần hơn với thiên nhiên hoang dã, cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị to lớn mà rừng mang lại cho con người, từ đó bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Thông qua các hoạt động trong chương trình giúp học sinh củng cố và bổ sung thêm những kiến thức đã được học, rèn luyện thêm các kỹ năng mềm cơ bản như kỹ năng làm việc nhóm, tham gia các hoạt động tập thể…
Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Sao Việt thực hành kỹ năng cắm trại tại chuyến tham quan trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Phương |
Có thể thấy, du lịch học đường đang nổi lên như một xu hướng đầy tiềm năng, nhất là đối với một địa phương sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi như Gia Lai. Bà Bùi Hương Thảo-Phó Trưởng phòng thông tin, xúc tiến du lịch (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cho biết: Những năm qua, trong các chuyến tham gia hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh, nhiều du khách rất quan tâm tìm hiểu các loại hình du lịch tại Gia Lai, trong đó có cả du lịch học đường mà đối tượng hướng đến là sinh viên, học sinh. Đây cũng là một sản phẩm mà các đơn vị lữ hành cũng nên quan tâm phát triển, không chỉ hướng đến khách hàng trong tỉnh mà có thể thu hút khách từ các tỉnh, thành khác về Gia Lai để được trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu lịch sử, giá trị văn hóa của vùng đất này. Từ đó góp phần khẳng định tên tuổi của Gia Lai trên bản đồ du lịch của cả nước.
Nguồn: Du lịch học đường: Nhiều dư địa