Gia Lai: Đưa không gian văn hóa truyền thống vào khu du lịch
Gia Lai: Hỗ trợ người dân tiêu thụ sầu riêng và chanh dây Gia Lai: Sở Xây dựng giám sát công tác hỗ trợ nhà ở cho người nghèo xã Yang Nam |
Cứ đến thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, chị Pyui-thành viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) lại được mời ra Khu du lịch Biển Hồ để trình diễn dệt thổ cẩm. Chị cho hay: “Trước đây, mình chỉ ngồi dệt cùng các chị em ở trong làng và đem bán sản phẩm cho khách hàng. Nay được trực tiếp đưa khung cửi ra đây ngồi dệt để mọi người cùng tham quan, trải nghiệm kỹ thuật và hoa văn dệt… mình thấy rất vui và tự hào. Quảng bá văn hóa dân tộc mình theo cách này rất gần gũi và thân thiện”.
Ngồi cạnh bên, chị Rơ Lan Han cũng đưa ngón tay thoăn thoắt trên khung dệt. Dưới tán thông xanh ngát, những người phụ nữ Jrai trong trang phục truyền thống cần mẫn bên khung cửi càng thêm duyên dáng, thu hút mọi ánh nhìn.
Chị Han cho hay: “Tôi là một trong những thành viên trẻ của Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung. Lần đầu tiên được trải nghiệm trình diễn dệt thổ cẩm trước mặt du khách gần xa, tôi có phần bỡ ngỡ, ngại ngùng. Tuy nhiên, khi được mọi người cổ vũ, khen ngợi, muốn tìm hiểu và ngồi thử vào khung dệt thì tôi tự tin hơn hẳn”.
Chị Rơlan Han và chị Pyui (thành viên Câu lạc bộ dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ) trình diễn dệt thổ cẩm. Ảnh: Trần Dung |
Cùng với dệt thổ cẩm, gần 30 nghệ nhân Jrai trong trang phục truyền thống cũng say sưa đánh chiêng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và hát những bài dân ca quen thuộc. Với những bài chiêng mang đậm bản sắc như: Mừng lúa mới, Pơ thi, Mừng nhà rông, Mừng chiến thắng… các nghệ nhân đã tái hiện một không gian lễ hội ngay tại Khu du lịch Biển Hồ.
“Khi những thanh âm trầm hùng mang hơi thở của đại ngàn vang vọng khắp phố phường, chúng tôi cảm thấy như được sống giữa những ngày lễ hội của buôn làng. Chúng tôi ai nấy đều hòa mình vào không gian của cồng chiêng, của những vòng xoang nối dài. Nắm tay du khách, cùng chung một nhịp xoang, chúng tôi thấy mọi người xung quanh đều rất thân thiện, dễ mến”-chị Ksor Lan Hương (làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ.
Là người dẫn đoàn cồng chiêng của làng Blang 3 đến biểu diễn tại Khu du lịch Biển Hồ, anh Rah Lan Ven cho biết: “Dù tham gia trình diễn ở nhiều nơi nhưng khi hòa nhịp chiêng ở đây, chúng tôi cảm thấy vui và tự hào. Không gian xanh mát của Biển Hồ rất gần gũi với không gian sống vốn có của cồng chiêng Tây Nguyên. Vì thế, đây cũng là cách để du khách hình dung rõ nhất về không gian văn hóa cồng chiêng. Chúng tôi tự hào khi được đem nét đẹp văn hóa của dân tộc mình quảng bá, giới thiệu rộng rãi và hiệu quả”.
Du khách thích thú trải nghiệm nhạc cụ của người Jrai. Ảnh: Trần Dung |
Được hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo với âm thanh của cồng chiêng, cùng điệu xoang uyển chuyển và sắc màu kỳ thú của thổ cẩm, chị Nguyễn Thị Nhật Hạ-du khách đến từ TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) bày tỏ: “Lần đầu đặt chân tới Pleiku, tôi và mọi người trong đoàn được hòa mình vào không gian của lễ hội. Người dân nơi đây thân thiện, cởi mở”.
Vừa trải nghiệm một vài thao tác dệt thổ cẩm, chị Mai Thị Ánh Nguyệt-du khách đến từ TP. Đà Nẵng-cho hay: “Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, mình và nhóm bạn quyết định chọn phố núi Pleiku để đi du lịch vì nơi đây có khí hậu rất mát mẻ, trong lành. Khi tới vùng đất này, thú vị hơn cả vẫn là hoạt động trải nghiệm cùng văn hóa truyền thống. Ngoài ra, mọi người còn mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương ngay tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP ngay ngoài cổng khu du lịch”.
Theo anh Trần Văn Trong-Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai, sở dĩ anh tổ chức hoạt động này là nhằm lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa. Đồng thời, tạo cơ hội để người tiêu dùng, du khách mọi miền dễ dàng tiếp cận với sản phẩm đặc trưng của địa phương tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP đặt tại đây.
“Gần 2 tháng nay, chúng tôi mời các đội cồng chiêng, các nghệ nhân dệt thổ cẩm giỏi tại một số địa phương về đây để trình diễn cho du khách tham quan, trải nghiệm. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Cùng với đó, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP cũng thu hút nhiều du khách với các sản phẩm đặc sản đặc trưng của địa phương được chứng nhận OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, bò khô, măng khô, mắc ca, cao đinh lăng, đông trùng hạ thảo, gạo, trà… Đây là tín hiệu rất đáng mừng”-anh Trong thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhận định: “Du lịch văn hóa là một trong những thế mạnh của Gia Lai. Khai thác lợi thế đó, Hợp tác xã Nông nghiệp liên hiệp Gia Lai đã tổ chức các hoạt động trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm vào các ngày cuối tuần tại Khu du lịch Biển Hồ. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, có sức lan tỏa. Cùng với chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm” diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết thì hoạt động này cũng đã góp phần tạo nên sức hút cho du lịch Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung”.
Nguồn: Đưa không gian văn hóa truyền thống vào khu du lịch