Gia Lai: “Hiến kế” phát triển du lịch bền vững
Gia Lai: Hội thảo đánh giá sản xuất lúa ĐT100 tại xã Chư Răng Gia Lai: Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững |
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thẳng thắn chỉ rõ tồn tại, hạn chế
Ngành du lịch Gia Lai đã có bước “chuyển mình” trong hơn 5 năm qua, thể hiện qua doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh từng năm. Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được các cấp, các ngành quan tâm. Theo đó, tổng vốn đầu tư hạ tầng du lịch giai đoạn 2017-2022 đạt trên 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu. Tỉnh đã thu hút, kêu gọi 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 9.470 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2022, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh đã ký 3 biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư với tổng số vốn trên 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành du lịch Gia Lai vẫn còn chậm phát triển so với tiềm năng, thế mạnh.
Bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nêu rõ: Tuy có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch sinh thái, văn hóa song thời gian qua, du lịch Gia Lai vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tỉnh chưa thu hút được các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, các nhà đầu tư tham gia chưa nhiều, nguồn vốn ngân sách còn hạn chế; chất lượng các loại hình du lịch còn giản đơn, thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp nên chưa đủ hấp dẫn; sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu các sản phẩm nổi bật có thương hiệu để tạo ấn tượng thu hút khách; tại các di tích, điểm đến du lịch thiếu các dịch vụ trải nghiệm (ẩm thực, giải trí, mua sắm đặc sản...).
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.D |
“Du lịch Gia Lai đang thiếu sự liên kết chặt chẽ, hợp tác để đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các địa phương khác trong cả nước. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh còn thiếu đồng bộ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm du lịch còn thấp. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch còn hạn chế nên hiệu quả mang lại không cao”-bà Diệp đánh giá.
Phân tích thêm những vướng mắc của ngành, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho rằng: Gia Lai có những điều kiện đặc trưng rất độc đáo, có tính khác biệt và phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ du lịch địa phương hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Điều này thể hiện ở chỗ, việc quản lý, khai thác tài nguyên du lịch nhìn chung chưa được thực hiện một cách đầy đủ, khoa học, chưa khai thác hết được giá trị. Bên cạnh đó, sự quản lý, phân cấp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh chưa rõ ràng, dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị mai một. Trong khi đó, công tác quy hoạch du lịch thiếu ổn định; chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn tâm huyết để tập trung phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, tạo sự bứt phá cho tỉnh.
Anh Đinh Angưi-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Angưi (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) nêu vướng mắc tại hội thảo. Ảnh: Trần Dung |
Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh, ông Đinh Angưi-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Angưi (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) nêu tồn tại: Chúng tôi là đơn vị kinh doanh mô hình du lịch cộng đồng nhưng nhiều năm nay vẫn gặp vướng mắc trong cơ chế chuyển đổi đất nông nghiệp và các chính sách về đất đai cũng như việc tiếp cận các nguồn vốn. Tháo gỡ được vấn đề này thì doanh nghiệp mới yên tâm xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư kinh doanh dịch vụ, du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Mạnh Cương-Giám đốc Công ty TNHH Bahnar Xanh (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho hay: “Ngoài việc vướng các cơ chế về tiếp cận nguồn vốn, chúng tôi còn gặp khó về chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các loại hình du lịch. Chúng tôi hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch theo định hướng du lịch xanh và bền vững. Vậy nhưng nhiều cơ chế còn gò bó, chưa mở ra thông thoáng để doanh nghiệp tự tin đẩy mạnh các hoạt động du lịch”.
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển
Tại hội thảo, hầu hết đại biểu đều cho rằng, để du lịch có những bước tiến dài, trong thời gian đến cần có sự đổi mới về tư duy phát triển. Trong đó, sự đồng thuận của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển gắn với bảo tồn và đề cao tính bền vững là yếu tố tiên quyết.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, muốn du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững, Gia Lai cần khai thác những lợi thế sẵn có một cách có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo về con người, lịch sử, văn hóa của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của các tài nguyên du lịch và lợi ích của hoạt động du lịch; tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác bảo vệ, quảng bá du lịch địa phương bằng nhiều kênh thông tin. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư hạ tầng du lịch và nâng tầm giá trị các di tích, các thiết chế văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh; có cơ chế nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; gắn hoạt động lễ hội với các di tích, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn du khách; hướng dẫn và tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động của các di tích và giá trị của các di sản.
Gia Lai tăng cường gắn hoạt động lễ hội với các điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Đ.T |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, Gia Lai cần xây dựng các tour, tuyến độc đáo để thu hút du khách đến với các di tích và di sản của tỉnh; thu hút các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành trong cả nước xây dựng tour cuối tuần, trong đó có Gia Lai là điểm đến an toàn, thân thiện. Đồng thời, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, các chủ thể văn hóa, các doanh nghiệp vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên nguyên tắc nhà nước quản lý.
Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch dựa trên các nghiên cứu khoa học. Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết: Giai đoạn 2011-2022, Sở đã tổ chức nghiệm thu 82 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến ngành du lịch như: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Gia Lai; phục dựng lễ hội truyền thống của dân tộc Jrai để phục vụ công tác phát triển du lịch tại tỉnh Gia Lai hiện nay; tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng trong việc phát triển du lịch ở tỉnh Gia Lai; lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê...
Gia Lai có những điều kiện đặc trưng rất độc đáo, có tính khác biệt và phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững hiện nay. Ảnh: Trần Dung |
Để góp phần phát huy hơn nữa sức mạnh nền tảng của khoa học công nghệ đối với phát triển du lịch trong thời kỳ mới, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đưa ra giải pháp cụ thể: “Chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kết hợp với nghiên cứu cơ bản nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết của du lịch địa phương. Những nghiên cứu hướng tới phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng xanh trong du lịch gắn với các xu hướng mới như quản lý phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong mô hình quản lý và kinh doanh du lịch; giảm thiểu và sử dụng hiệu quả tài nguyên, các giải pháp phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường. Xác định các phân khúc thị trường mục tiêu phù hợp với các dòng sản phẩm đặc trưng của du lịch Gia Lai, các quy luật của thị trường khách du lịch và tiêu dùng sản phẩm du lịch”.
Trong khi đó, ông Đinh Đình Chinh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang-đề xuất: Với tiêu chí “Phát triển du lịch trên nền tảng nông nghiệp sạch” và định hướng phát triển du lịch cộng đồng, huyện Kbang đề nghị tỉnh quan tâm ưu tiên và tạo cơ chế để các tổ chức, doanh nghiệp khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch. Cùng với đó, có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; tạo điều kiện để nghệ nhân các làng du lịch cộng đồng được tham quan, học tập kinh nghiệm ở những làng du lịch cộng đồng trong cả nước.
Gia Lai đang phát triển du lịch trên nền tảng nông nghiệp sạch. Ảnh: Trần Dung |
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân có sự đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; quan tâm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế; phát huy các lợi thế, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch. Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Gia Lai” là cơ hội để các nhà quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch gặp gỡ, đánh giá lại thực trạng và đưa ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho tỉnh nhà.
“Phát triển du lịch phải gắn với đảm bảo tính bền vững. Chính vì vậy, cần tinh thần trách nhiệm rất lớn của các ngành, địa phương và sự chung tay của cộng đồng. Hội thảo đã làm rõ Gia Lai thật sự có tiềm năng và lợi thế gì để phát triển du lịch; những tồn tại, thử thách làm hạn chế sự phát triển du lịch Gia Lai hiện nay. Từ đó, chúng tôi lấy đây làm cơ sở để đề xuất, tham mưu cho tỉnh các giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch cho phù hợp với điều kiện của tỉnh trong giai đoạn mới”-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh.
Nguồn: “Hiến kế” phát triển du lịch bền vững