Gia Lai: Khởi sắc những ngôi làng tái định cư ở Chư Prông
Gia Lai: Công nghiệp năng lượng tái tạo khẳng định vị thế Gia Lai: Nơi khởi xướng phong trào trồng lúa 2 vụ |
Ổn định kinh tế
Từ TP. Pleiku đến xã Ia Lâu gần 90 km. Đường đến xã hiện nay đều là đường nhựa, bê tông phẳng lì. Thôn Cao Lạng hiện ra với khung cảnh trù phú, nhà nối nhà đông đúc, nhộn nhịp.
Đường vào thôn Cao Lạng, xã Ia Lâu. Ảnh: Sang Phương |
Gọi là thôn Cao Lạng bởi trong thôn chủ yếu là người Tày, Mường, Thái… ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào đây lập nghiệp. Năm 2002, gia đình ông Nguyễn Hữu Ngạn (dân tộc Tày)-Trưởng thôn Cao Lạng vào Ia Lâu sinh sống. Trong ký ức của ông Ngạn thì thôn Cao Lạng lúc bấy giờ chỉ khoảng hơn chục hộ dân là đồng bào dân tộc phía Bắc di cư vào đây. Đến nay, thôn có 114 hộ với 1.015 nhân khẩu. Cũng như nhiều gia đình khác, mảnh đất Ia Lâu đã đem đến cho gia đình ông Ngạn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông vẫn cùng con cháu trong gia đình phát triển cây lúa nước kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. “Gia đình vừa bán 6 con heo nái và 1 con trâu, thu về gần 50 triệu đồng đấy”-ông Ngạn vui vẻ nói.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Ngạn đưa chúng tôi đến thăm một số hộ trong thôn. Anh Nông Văn Bình (dân tộc Tày) dừng việc chẻ tre đan lờ để bắt cá, pha nước tiếp chúng tôi. Anh cho hay: “Nhà tôi làm 3 sào ruộng. Nhà có 5 người, gạo ăn không hết, chưa kể đến 5 sào mì, gần 2 sào cà phê. Cuộc sống tốt hơn nhiều so với hồi ở ngoài quê”.
Ông Nguyễn Hữu Ngạn-Trưởng thôn Cao Lạng (xã Ia Lâu) thăm hỏi, chia sẻ công việc làm ăn với người dân trong thôn. Ảnh: Sang Phương |
Đó là từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng thôn định cư Cao Lạng này. Cách đây khoảng 20 năm, nơi này còn khá hoang sơ, dân cư thưa thớt, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa nước, mì, cao su và một số loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác. Trước đây, bà con không mạnh dạn đầu tư sản xuất mà chỉ sống dựa vào rừng. Tuy nhiên, từ khi hồ thủy lợi Pleipai đi vào hoạt động, nơi đây được khoác lên mình một màu xanh với ruộng lúa, vườn bắp, rẫy mì, vườn cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.
“Bây giờ, có hộ thì tập trung vào cây điều, cây lúa, nhà thì cây mì hay cà phê, cao su. Nói chung cuộc sống bây giờ khá sung túc. Từ khi Nhà nước đầu tư làm làng mới, người dân trong thôn không còn nỗi lo nước ngập vào mùa mưa, con trẻ được đến trường. Trạm y tế, trường học cũng ngay bên cạnh. Cái gì cũng tiện”-ông Ngạn cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu Bùi Văn Dương: Trong năm qua, xã đã tăng cường vận động, hướng dẫn các hộ nghèo phát huy các nguồn đầu tư để tập trung vào sản xuất có hiệu quả. Gần 500 m kênh mương đã được sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng. Ngoài ra, xã còn được đầu tư làm mới nhiều con đường giao thông trong các thôn. “Việc phát triển kinh tế-xã hội trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các ban ngành, đoàn thể cùng hợp sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm”-ông Dương chia sẻ.
"An cư, lạc nghiệp"
25 năm trước, nhiều người đồng bào là dân tộc Mông, Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng di cư và chọn cánh đồng lúa ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) để sinh sống. Những cánh đồng lúa nước đã đủ cung cấp lương thực cho bà con. Thế rồi, người nhà và cả người làng của họ ở quê cũng vào theo, xem đây là quê hương thứ hai để lập nghiệp. Mặc dù đất đai màu mỡ, kinh tế có phần khấm khá hơn, nhưng nơi ở của các hộ còn thấp trũng, điều kiện sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Với mong muốn giúp người dân có chỗ ở ổn định, chính quyền địa phương đã lần lượt đầu tư làm 2 khu tái định cư.
Đến khu tái định cư ở thôn Đoàn Kết, trước mắt chúng tôi là một khu dân cư với địa hình bằng phẳng, bao quanh là đồng lúa mênh mông. Từng tốp người hớn hở đánh xe ra đồng thu hoạch nông sản… Rời quê hương Cao Bằng, ông Triệu Văn On (dân tộc Dao) vào đây lập nghiệp từ năm 2003. Trò chuyện với chúng tôi, ông On cho hay: “Ở quê đất đai cằn cỗi, làm không đủ ăn nên tôi đưa gia đình vào đây lập nghiệp. Ở đây đất rộng và màu mỡ, trồng lúa, trồng mì đều tốt nên quanh năm không lo đói”.
Nhiều hộ người Dao ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) có đời sống kinh tế ổn định tại khu tái định cư. Ảnh: Sang Phương |
Là người uy tín, lại chăm chỉ làm ăn nên ông On được người dân trong vùng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Đoàn Kết. Ông kể: Ngày mới vào đây lập nghiệp, chưa quen tập tục, khí hậu, nên một số người có vẻ nản lòng. Tuy nhiên tôi ra sức thuyết phục bà con ở lại. Chịu khó lao động rồi đất sẽ không phụ công mình. Thế là bà con nghe theo, ở lại bám đất bám vườn, bỏ sức lao động trên vùng đất mới”.
Khi cuộc sống không còn lo đến miếng ăn thì các hộ trong làng bắt đầu lo chốn ở. Khi mới vào, bà con chọn nơi gần suối, gần ruộng để định cư cho thuận tiện việc đồng áng. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa thì làng lại ngập trong nước, đi lại khó khăn. Thấy được mong mỏi của người dân nên năm 2004 và 2010, hai khu tái định cư đã được Nhà nước đầu tư xây dựng với tiêu chí không xa nơi sản xuất, gần trường học, trạm y tế, có điện, có đường… Từ đó, 2 khu tái định cư này trở thành điểm sáng của huyện Chư Prông.
“Bà con được di dời từ vùng trũng lên nơi cao hơn. Khu tái định cư có đường, trường học, lại cao ráo, tốt hơn chỗ cũ nhiều. Nhờ ổn định chỗ ở nên bà con đã yên tâm làm ăn. Nhiều hộ đã biết dùng máy móc để sản xuất trên cánh đồng lớn, hiệu quả tăng lên rõ rệt. Nhờ được Nhà nước đầu tư mà đời sống người dân thôn Đoàn Kết ngày một nâng cao”-ông On không giấu được niềm vui.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng cho biết: Địa phương luôn quan tâm đến việc ổn định cho các hộ dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Nhiều dự án đã được đầu tư như làm đập dâng, kênh mương để tưới 500 ha cây trồng; xây dựng trường học, nhà văn hóa… Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã phê duyệt 45 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục ở thôn Đoàn Kết. Việc đầu tư này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con ổn định cuộc sống,nâng cao trình độ dân trí. Huyện sẽ triển khai sớm các hạng mục để phát huy hiệu quả, giúp người dân an cư.
Nguồn: Khởi sắc những ngôi làng tái định cư ở Chư Prông