Gia Lai: Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Triển vọng năm “bản lề“ 2023
Gia Lai: Bay xa hương vị “Lệ Cần khoai“ Gia Lai: “Sống khỏe“ nhờ du lịch cộng đồng |
Thời điểm chúng tôi đến, chiếc xe khách của nhà xe Sáu Lý đang dừng đỗ để hành khách làm thủ tục nhập cảnh vào Campuchia. Phía đối diện là 2 chiếc xe tải đang chờ làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Tại khu vực cột mốc, một nhóm bạn trẻ người Việt đang ríu ran chụp những bức ảnh kỷ niệm chuyến du lịch cuối năm của mình.
Chia sẻ về cảm xúc khi đến với cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bạn Đoàn Văn Hải-du khách đến từ tỉnh Bình Định-cho biết: “Bình Định không có đường biên giới trên bộ. Do đó, khi đứng bên cột mốc chủ quyền và quốc môn, trong em xuất hiện một cảm xúc rất lạ. Được trải nghiệm tại một vị trí thiêng liêng thế này là kỷ niệm đẹp trong cuộc sống của em”. Trong khi đó, nói về thủ tục xuất cảnh tại CKQT Lệ Thanh, anh Lê Quang Hà (TP. Pleiku) nhận xét: “Thủ tục xuất-nhập cảnh gọn nhẹ, cán bộ phụ trách rất nhiệt tình hướng dẫn nên mọi việc rất thuận lợi”.
Phục hồi hoạt động sau đại dịch
Cùng chúng tôi dạo một vòng quanh Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh, ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Trưởng Cửa khẩu-chia sẻ: Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư khang trang đã góp phần thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát nên các chỉ số phát triển của Khu Kinh tế trở nên sáng sủa.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Duy Lê |
Ông Trình cho biết: Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh được thành lập theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ gồm các xã: Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) với diện tích 415,515 km2. Trong đó, Khu trung tâm được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2009 với diện tích 155,12 ha (diện tích đã chuyển đổi mục đích là 87,18 ha, chiếm 56,2% diện tích quy hoạch (giao cho Ban Quản lý 81 ha, giao cho Đồn Biên phòng 6,18 ha); diện tích đất quy hoạch để giao, cho thuê là 45,24 ha, trong đó, diện tích đã giao cho thuê 38,04 ha). Khu công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2009 với diện tích 210,1 ha, trong đó, diện tích đã chuyển đổi mục đích và giao cho Ban Quản lý là 37,2 ha (chiếm 17,7% diện tích quy hoạch), đất chưa chuyển đổi là 172,9 ha (chiếm 82,3% diện tích quy hoạch).
Năm 2022, Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh thu hút thêm 1 dự án với tổng vốn đăng ký 6 tỷ đồng; cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án, trong đó có 1 dự án tăng vốn đầu tư thêm 8,765 tỷ đồng; cấp giấy phép xây dựng cho 4 dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng cho 1 dự án. Tính đến nay, tại đây có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 556,6 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện là 242,85 tỷ đồng (đạt 43,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Trong số đó, 11 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 20 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang làm thủ tục. Các dự án chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với đặc điểm tình hình khu vực cửa khẩu.
Về mặt giao thương giữa 2 nước, năm qua, kim ngạch xuất-nhập khẩu tại CKQT Lệ Thanh đạt 125,76 triệu USD (tăng 17% so với năm 2021), trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 50,55 triệu USD (tăng 30%), kim ngạch nhập khẩu đạt 75,21 triệu USD (tăng 10%). Đặc biệt, đầu tháng 12-2022, Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Đức Cơ đã tổ chức thành công phiên chợ biên giới tại CKQT Lệ Thanh. Với sự tham gia của doanh nghiệp và người dân 2 nước, đây là sự kiện thể hiện sự hợp tác giao lưu kinh tế, thúc đẩy thương mại biên giới giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, trong điều kiện vừa thoát ra khỏi đại dịch Covid-19, những kết quả đạt được trong năm 2022 là rất đáng ghi nhận. Đây là tiền đề để hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh và giao thương tại khu vực cửa khẩu tăng trưởng trong năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025).
Đẩy mạnh thu hút đầu tư và xuất-nhập khẩu
Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý tại CKQT Lệ Thanh năm 2022, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, đại diện các đơn vị chức năng đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Khu vực làm thủ tục xuất-nhập cảnh tại CKQT Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Duy Lê |
Theo đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu, hiện nay, việc tiêu thụ mặt hàng gỗ nhập từ Campuchia gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, do tuyến quốc lộ 19 đang trong giai đoạn thi công nên hàng nông sản nhập khẩu từ Campuchia thường chuyển sang Cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước).
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Phó Trưởng Cửa khẩu thì phản ánh: Những năm qua, tỉnh rất quan tâm đến Khu Kinh tế Cửa khẩu. Tuy nhiên, mức đầu tư chưa nhiều nên chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại đây.
Để Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh chuyển mình phát triển trong những năm tới, theo Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Nguyễn Như Trình, Trung ương và tỉnh cần dành sự quan tâm đầu tư thỏa đáng về cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư và đẩy mạnh hoạt động xuất-nhập khẩu. Năm 2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh sẽ nỗ lực hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh đến năm 2045 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, các lực lượng cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa hàng hóa qua cửa khẩu. Để hoạt động giao thương khu vực cửa khẩu trở nên nhộn nhịp, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phiên chợ biên giới tại CKQT Lệ Thanh được tổ chức định kỳ và thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia.
Nguồn: Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Triển vọng năm "bản lề" 2023