Gia Lai: Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ hệ thống tưới tiết kiệm nước
Gia Lai: Giống chanh dây Đức Điền đồng hành cùng nông dân Gia Lai: Chương trình giảm nghèo bền vững nhiều khó khăn, vướng mắc |
Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu và được hỗ trợ 3,5 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, cuối năm 2018, anh Đinh Văn Nhoắc (làng Jro Ktu, xã Yang Bắc) đã chuyển đổi 1,5 sào mía sang trồng ớt. Sau 4 tháng cần mẫn chăm sóc, anh thu được hơn 2 tấn quả. Với giá bán 50-60 ngàn đồng/kg, anh lãi khoảng 100 triệu đồng.
Từ năm 2020 đến nay, anh Nhoắc luân canh gối vụ các loại cây trồng khác nhau trên mảnh đất hơn 3 sào, mang lại thu nhập cho gia đình 100-150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Anh cho biết: “Với hệ thống tưới tiết kiệm nước, mình có thể bón phân qua đường ống, vừa giảm thất thoát phân bón, vừa đỡ tốn công lao động nhưng năng suất cây trồng lại tăng 50-70%. Chính vì vậy, không chỉ gia đình mình mà trong làng có 60 hộ đã lắp đặt hệ thống tưới này để chuyển đổi, luân canh đa dạng cây trồng. Nhờ đó, đời sống bà con được nâng lên”.
Mô hình trồng dưa leo sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước của gia đình anh Đinh Jram (làng Jro Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.P |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn dưa leo vừa xuống giống được hơn chục ngày, anh Đinh Jram (làng Jro Ktu) cho hay, năm ngoái, trên phần đất hơn 1,5 sào này, anh trồng ớt cho thu nhập hơn 60 triệu đồng. Năm nay, anh chuyển qua trồng dưa leo. Theo tính toán của anh, sau 1 tháng trồng, dưa leo sẽ cho thu hoạch. Nếu giá ở mức cao thì sẽ mang lại thu nhập đáng kể bởi 1 năm có thể trồng được 3-4 vụ. “Việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ tốn 2,5-3 triệu đồng/sào nhưng sử dụng được đến 2 năm, vừa tiết kiệm phân bón, nước tưới, vừa giảm công chăm sóc mà cây lại sinh trưởng và phát triển tốt”-anh Jram nói.
Theo ông Võ Viết Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Yang Bắc: Từ năm 2021 đến nay, người dân ở các làng: Klăh Môn, Jro Ktu, Đak Yang, Jun, Jro Dơng và Kruối Chai đã chuyển đổi 16 ha mía kém hiệu quả sang trồng rau màu. Qua đánh giá, các loại cây trồng ngắn ngày đã mang lại thu nhập ổn định và cao hơn so với cây mía, cây lúa. Thấy được lợi ích kinh tế, lại được các ban, ngành của huyện và xã tuyên truyền, vận động, đến nay, 135 hộ dân đã đầu tư lắp đặt mô hình tưới tiết kiệm nước trên diện tích trồng rau màu và cây ăn quả.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền người dân chủ động, linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao”-ông Nghĩa thông tin.
Thấy được lợi ích kinh tế, hơn trăm hộ dân tộc thiểu số tại xã Yang Bắc đã sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và chủ động chuyển đổi cây trồng. Ảnh: Đức Thụy |
Trao đổi với P.V, bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Tại huyện Đak Pơ, Dự án “Phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm giúp nông dân tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập-iDE” được triển khai ở các xã: Tân An, Cư An, Phú An, Yang Bắc, Hà Tam và thị trấn Đak Pơ. Trong đó, hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 50-70% kinh phí (từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng) lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, phần còn lại người dân đối ứng.
Từ tháng 10-2018 đến nay, dự án đã xây dựng được 235 mô hình/235 hộ, mỗi mô hình lắp đặt 1.000 m2 hệ thống tưới tiết kiệm nước để tưới cho hoa màu. Ngoài ra, dự án còn tuyên truyền, quảng bá, kết nối doanh nghiệp với nông dân để các hộ tự đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước. Hiện có 786 hộ khách hàng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong vùng dự án.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ khẳng định: Khi tham gia Dự án, các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm nước đi đôi với tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang một số cây trồng hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, bền vững.
“Đáng chú ý là mô hình này đã làm thay đổi suy nghĩ của bà con, nhất là đối với người dân tộc thiểu số. Giờ họ đã biết việc đầu tư áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp tưới thủ công. Đơn cử là tại Yang Bắc, từ 1 hộ ban đầu là anh Đinh Văn Nhoắc tham gia mô hình thì đến nay đã nhân rộng ra toàn xã với trên 100 hộ dân ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để chuyển đổi sang trồng ớt, rau màu. Đặc biệt hơn, anh Nhoắc còn mở đại lý cung ứng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho bà con trong và ngoài xã”-bà Lý nhấn mạnh.
Nguồn: Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ hệ thống tưới tiết kiệm nước