Gia Lai: Nâng tầm sản vật địa phương
Gia Lai: Ia Grai ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông Gia Lai: Chư Prông tập huấn chăm sóc và phòng trừ bệnh trên cây sầu riêng |
Sản vật Gia Lai không chỉ có măng le mà phong phú hơn nhiều, bởi đây là vùng đất giàu tài nguyên nông nghiệp và con người luôn chuyên cần, sáng tạo. Sản vật bản địa là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến Gia Lai cũng muốn mang về. Tại Ngày hội du lịch Kbang năm 2023 diễn ra từ ngày 4 đến 6-8 vừa qua, các gian hàng dược liệu từ rừng hay các loại đặc sản địa phương thu hút đông đảo người dân lẫn du khách đến tham quan, mua sắm.
Với 21 loài thảo dược, sản phẩm quý hiếm thu hái dưới tán rừng cùng với 12 loại sản phẩm có hạt, 13 loại trái cây, 15 loài rau, trên 30 gian hàng ẩm thực truyền thống góp mặt tại các gian hàng cho thấy mức độ phong phú của sản vật địa phương.
Gian hàng nông-lâm sản của vùng đất Kbang. Ảnh: M.C |
Nhiều du khách phía Bắc chia sẻ, họ mua đặc sản rừng Kbang không chỉ an tâm về chất lượng, quý hiếm mà giá cả còn rẻ hơn so với các nơi. Trong đó, có những đặc sản giữ được sự tươi mới, khó mang đi xa như: đọt mây, rau dớn, hoa nghệ rừng, ốc suối…
Qua các phiên chợ nông sản từ cấp tỉnh đến huyện tổ chức những năm qua có thể thấy nông sản đặc trưng của Gia Lai rất phong phú. Nhiều sản vật bản địa đã được nâng tầm thành hàng hóa, trở thành đặc sản để đưa đi muôn phương. Có thể kể đến hàng chục sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu khoai Lệ Cần-sản vật nức tiếng của Gia Lai. Củ dong riềng, khoai mật trồng trên núi lửa Chư Đang Ya cũng biến hóa thành nhiều sản phẩm tỏa đi muôn nơi, thậm chí ra nước ngoài…
311 sản phẩm đạt chứng nhận 3-4 sao cấp tỉnh sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP là minh chứng cho sự phong phú và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, Gia Lai đã có sản phẩm tiệm cận OCOP quốc gia (5 sao). Đây là những sản phẩm “có chất lượng, đặc trưng, tiêu biểu, truyền thống của người dân và địa phương” theo tiêu chuẩn chứng nhận OCOP. Mỗi sản phẩm đều là món quà tặng du lịch giàu cảm xúc.
Thực tế, nhiều du khách đến Gia Lai rất thích chọn mua hàng hóa đặc trưng của địa phương để làm quà. Chị Lê Thị Hòa-Chủ cửa hàng Nông trang Foods (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) chuyên bán các mặt hàng nông sản địa phương cho biết: Khách Trung Quốc rất thích các sản phẩm từ dược liệu, nhất là nấm lim xanh, linh chi. Khách châu Âu lại thích mật ong, cà phê và các loại hạt điều, mắc ca. Còn khách du lịch trong nước thì thích nhiều mặt hàng mác “nông sản, đặc sản Tây Nguyên”. Chị Hòa đã bỏ công đến một số thành phố phát triển du lịch để tìm hiểu, học hỏi cách làm nông sản, đặc sản. “Đi nhiều mới nhận thấy nông sản Gia Lai quá phong phú, chất lượng tốt mà giá cả cạnh tranh”-chị Hòa cho biết.
Nhiều người làm du lịch Gia Lai đã trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất và khách hàng. Anh Nguyễn Văn Phi-hướng dẫn viên du lịch tự do (TP. Pleiku) sau khi mất việc bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã chuyển sang bán hàng đặc sản địa phương. Mùa nào bán thức đó, bạn hàng của anh Phi phần lớn là khách du lịch đã từng đến Gia Lai. Tương tự, anh Nguyễn Long Trọng-một hướng dẫn viên tự do cũng mở cửa hàng “Đặc sản Gia Lai 24h” ở đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) bán sâm Ngọc Linh, sâm dây, đinh lăng, mật ong, bột nghệ…
Đặc sản địa phương là những món quà được khách du lịch yêu thích. Ảnh: M.C |
Anh Trọng cho biết, du khách không chỉ mua sản vật làm quà trong chuyến hành trình trải nghiệm mà còn trở thành khách hàng thường xuyên. Điều đó cho thấy các mặt hàng nông sản địa phương được khách hàng đánh giá cao. Còn anh Trần Văn Tuấn-hướng dẫn viên của Gia Lai Discovery thì chia sẻ: “Mỗi chuyến dẫn khách đi trekking, ẩm thực truyền thống là lựa chọn hàng đầu để chúng tôi đãi khách. Nhưng không chỉ thưởng thức đặc sản tại chỗ, nhiều du khách còn có nhu cầu mua về làm quà. Mỗi tháng, cửa hàng của tôi tiêu thụ vài chục ký bò một nắng và muối kiến vàng”.
Chủ cửa hàng Nông trang Foods cho rằng: “Thế mạnh đặc sản, nông sản Gia Lai nổi trội là dược liệu tự nhiên và nông sản giá trị cao. Song hiện nay, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm còn hạn chế. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng chưa nghiêm. Tất cả khiến cho nông sản, đặc sản Gia Lai khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong nước cũng như sản phẩm nhập ngoại”. Gia Lai cũng chưa có những chiến dịch truyền thông đủ mạnh để lan tỏa giá trị của sản vật địa phương.
Đak Lak hiện có những “đại sứ truyền thông” cho nông sản địa phương rất mạnh, trong đó phải kể đến các bạn trẻ sáng tạo nội dung số sở hữu kênh “Hana Ban Mê”, “Trang ở Đak Lak”… Các bạn trẻ 9X này thường xuyên thực hiện video thú vị chia sẻ các loại nông sản địa phương, thu hút hàng triệu lượt người xem. Chủ sở hữu kênh “Hana Ban Mê” còn được chính quyền một số tỉnh, thành phía Bắc mời đến livestream bán vải thiều, mận hậu… giúp bà con tiêu thụ và quảng bá nông sản địa phương.
Nguồn: Nâng tầm sản vật địa phương