Gia Lai: Nhiều mô hình du lịch xanh tỏa khắp phố núi Pleiku
Gia Lai: “Điểm tựa” của nông dân Glar Gia Lai : 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở đạt chuẩn nông thôn mới |
Phát huy lợi thế đó, nhiều nhà vườn, cơ sở kinh doanh ở TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch an toàn, bền vững này. Chị Nguyễn Phạm Huyền Trâm ở làng Ốp (phường Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) có khu vườn rộng khoảng 1.000m2, chị lên ý tưởng cải tạo lại để mở quán Dalas Cafe & Garden. Không gian quán được bài trí theo phong cách Hàn Quốc có nhiều view đẹp, góc “sống ảo” với bức tường đá được trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, đặc biệt là hoa cẩm tú cầu. Nơi đây đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều du khách muốn gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là giới trẻ.
“Khi nghe thông tin chính quyền thành phố xây dựng đề án phát triển du lịch tại làng Ốp, tôi quyết định trở về quê xây dựng một thương hiệu du lịch riêng của bản thân cũng như lan tỏa xu hướng làm du lịch xanh. Mặc dù đã có công việc ổn định nhưng tôi vẫn luôn khát khao được cống hiến một điều gì đó cho quê hương”, chị Trâm chia sẻ.
Những quán nước xanh mát, khung cảnh làng quê yên bình tạo cảm giác dễ chịu cho du khách khi được trải nghiệm các mô hình du lịch xanh ở phố núi Pleiku |
Một quán khác có hồ sen tuyệt đẹp, địa điểm lý tưởng cho những người yêu thích thiên nhiên là Cà phê Tre Ngà. Đến đây, ai cũng có thể tìm cho mình chỗ ngồi vừa ý để thưởng thức đồ uống, ngắm nhìn hồ sen đang vào mùa khai hoa. Không gian thoáng đãng, gần gũi thiên thiên đem lại cho mọi người cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Anh Tô Thuận Thắng, chủ quán Cà phê cho biết: Từ là khu đầm lầy, anh tiến hành cải tạo đất, nguồn nước để trồng sen và lên ý tưởng mở quán cà phê. Anh xuống Bình Định lấy giống hoa sen về trồng thử. Sau 1 năm, cây sen ở đây nở hoa nở rất đẹp, rất thơm. “Để khách thuận tiện hơn trong việc ngắm cảnh, chụp hình, tôi làm thêm cầu khỉ, thuyền gỗ và hàng ghế đặt quanh bờ hồ. Vào thời điểm hoa nở rộ, mỗi tuần, quán thu hút 400 - 500 lượt khách đến đây để chụp hình check-in”, anh Thắng nói.
Chị Phan Thị Hường (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Tôi cùng gia đình lên Pleiku du lịch, được bạn bè đưa đến các quán cafe trải nghiệm. Ở đây, không khí trong lành, cảnh quan rất tuyệt vời. Không cần phải đi quá xa, mọi người vẫn có thể dễ dàng ngắm nhìn, thưởng thức khung cảnh đồng quê cùng sen hồng ngay trong lòng thành phố”.
TP Pleiku hiện có khoảng 20 điểm hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái. Từ những nét đặc trưng đó cũng như nắm bắt nhu cầu của khách, dịch vụ du lịch lưu trú cũng bắt đầu phát triển.
Đó là các mô hình du lịch nông nghiệp hoạt động theo hình thức Hợp tác xã (HTX) với khu để trồng các loại rau màu, cây ăn quả, đặc biệt là khu vực dành cho du khách ngồi uống nước với khung cảnh thiên nhiên tươi mát, ngắm nhìn núi Hàm Rồng, cánh đồng điện gió, rừng phòng hộ, dưới chân là thung lũng trồng lúa nước.
Chị Hoàng Thị Cẩm Vân (tổ 6, phường Thắng Lợi, TP Pleiku) chia sẻ: "Thật vui khi ngay tại Pleiku cũng có thể trồng được nho với quả chín to đều, ăn rất ngon và chụp hình rất đẹp. Ngoài việc vui chơi tại vườn, tôi cũng mua một ít nho về làm quà cho bạn bè và người thân”.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Pleiku cho biết: Mô hình du lịch xanh đang ngày càng thu hút du khách, tạo điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Pleiku, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Hầu hết không gian nhà vườn, cơ sở kinh doanh có xu hướng khai thác văn hóa, địa hình, khí hậu để tạo nên không gian đặc trưng riêng, có sức hấp dẫn, níu chân du khách.
Nguồn: Gia Lai: Nhiều mô hình du lịch xanh tỏa khắp phố núi Pleiku