Gia Lai: Phát triển đô thị Pleiku hiện đại, bản sắc
Gia Lai: Thả diều ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp trên bãi bồi Tiên Sơn Gia Lai: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất |
Ngược dòng lịch sử
Ngày 3-12-1929, Khâm sứ Trung Kỳ ra Nghị định thành lập thị xã Pleiku, nhưng không tổ chức bộ máy hành chính cấp thị xã mà chỉ có 2 xã: Hội Thương và Hội Phú (sau có thêm xã Trà Bá). Trước khi thực dân Pháp đặt chân đến đây, ở trung tâm đô thị này chỉ là những khoảnh rừng rậm với những làng của người Jrai như Pleiku Roh ở vùng đồi giữa 2 đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng hiện nay, Plei King Dêr ở vùng gần Công ty Điện lực Gia Lai và UBND TP. Pleiku, Plei Blo ở gần nhà thờ Đức An, Plei Ngo ở gần sân vận động thành phố, làng Plei Ốp ở vùng ngã ba Hoa Lư.
Ngày 24-5-1932, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tách phần nửa phía Nam tỉnh Kon Tum lập tỉnh Pleiku. Tòa Đại lý hành chính trước đó được đổi thành Tòa Công sứ do một viên công sứ Pháp đứng đầu. Chính phủ Nam triều cũng lập một đơn vị hành chính song song với bộ máy hành chính của Pháp, lấy tên là Đạo Gia Lai và bổ nhiệm một viên quan cai trị bên cạnh công sứ Pháp, gọi là Quản đạo. Dưới thời Pháp chiếm đóng, khu vực nội thị xã Pleiku thực chất là một doanh trại của lính Pháp, chúng lập bốt gác ngay cửa ngõ vào nội thị gần Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay. Dân số thị xã Pleiku trước năm 1945 có khoảng 1.500 người, chưa kể công nhân ở các đồn điền (theo Địa chí Gia Lai, 1999).
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), chính quyền cách mạng lập xã Trà-Phú-Thương, gồm 3 làng: Trà Bá, Hội Phú, Hội Thương, trực thuộc sự điều hành của tỉnh. Đến tháng 6-1946, thực dân Pháp tái chiếm thị xã Pleiku, người dân nơi đây và vùng phụ cận tản cư về đồng bằng; số dân còn lại rất ít.
Đô thị Pleiku ngày càng hiện đại và năng động. Ảnh: Phạm Quý |
Sau năm 1954, đô thị Pleiku được lấy làm tỉnh lỵ Pleiku nhưng vẫn chưa có bộ máy cai trị cấp thị xã mà chỉ có liên xã Hội Thương-Hội Phú trực thuộc quận Lệ Trung. Từ năm 1962 trở đi, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đầu xây dựng một số công trình dân sinh ở nội thị, đồng thời quy hoạch mở rộng thị xã: từ đường Lê Lai ngày nay mở rộng về phía Tây; từ đường Hai Bà Trưng ngày nay về phía Bắc; từ đường Hùng Vương hiện nay về phía Nam. Dân số lúc này ở thị xã đã tăng lên đáng kể, ở nội thị đã được quy hoạch các khu dân cư, chợ, các đình, chùa và nhà thờ, trường học; khu hành chính, sân bay và các công sở của chế độ Sài Gòn, bên ngoài và vùng ven đều là trại lính và đồn bốt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ sau này.
Bấy giờ, ở nội thị, đường Hoàng Diệu (đường Hùng Vương ngày nay) là con đường chính, ngang qua ngã ba Diệp Kính-nơi trung tâm của đô thị với nhiều dịch vụ hoạt động khá nhộn nhịp. Tuy diện mạo của đô thị miền núi đã được hình thành nhưng chế độ Sài Gòn vẫn xem Pleiku như một tiền đồn phục vụ cho bộ máy chiến tranh với những đơn vị quân đội như Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, Sân bay Cù Hanh, cơ quan cố vấn Mỹ… Các cơ sở công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ còn rất nhỏ lẻ, chủ yếu là phục vụ cho binh lính và nhân viên công vụ. Sau ngày giải phóng (tháng 3-1975), chính quyền cách mạng tiếp quản thị xã Pleiku với cơ sở vật chất và hạ tầng cơ sở còn tương đối nguyên vẹn. Tuy nhiên, thị xã Pleiku ngày ấy không có những công trình điểm nhấn, gây ấn tượng của đô thị.
Tầm nhìn chiến lược
Năm 2009, TP. Pleiku được công nhận đô thị loại II và tiếp tục phấn đấu lên đô thị loại I, được Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2020. Các phân khu quy hoạch đã và đang được kêu gọi đầu tư như các khu dân cư: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Diên Phú; cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, khu đô thị mới Hoa Lư-Phù Đổng, suối Hội Phú và các khu dân cư mới theo quy hoạch.
Nhìn chung, không gian đô thị được mở rộng đáng kể. Cơ sở hạ tầng ở nội thành được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới, nhất là giao thông nội đô, sân bay, bệnh viện, trường học, công trình cấp thoát nước. Những công trình công cộng, dân sinh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng làm điểm nhấn cho đô thị như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Lâm viên Biển Hồ; các công trình tôn giáo cũng được Nhà nước quy hoạch, cho phép mở rộng, xây dựng mới khá bề thế, như: chùa Minh Thành, chùa Bửu Thắng, nhà thờ Thăng Thiên, nhà thờ Đức An… Các cơ quan, công sở cũng được sắp xếp theo quy hoạch và cải tạo, nâng cấp, xây mới kiên cố tương đối hợp lý hơn.
Năm 2018, UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu xây dựng “Thành phố Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe”; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế-xã hội-môi trường bền vững. Tuy nhiên, theo một số nhà kiến trúc đô thị thì việc quy hoạch đô thị-thiết kế đô thị-thiết kế kiến trúc ở TP. Pleiku chưa tương hợp, thiếu triết lý trong ý tưởng và tầm nhìn; việc buông lỏng quản lý nhà nước trong thiết kế, xây dựng các công trình công cộng, dân sinh đã tạo nên những mảng màu, cảnh quan không đẹp mắt. Các làng dân tộc bản địa ven đô chưa được chú trọng đúng mức trong quy hoạch, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm tạo nên bản sắc của thành phố miền núi đa sắc tộc.
Việc quản lý thiết kế, xây dựng công trình nhà ở cũng chưa có những bộ quy tắc kỹ thuật ứng dụng vào thực tế của từng loại hình phân khu dân sinh khiến cho việc xây dựng nhà ở, các công trình phụ trợ khác còn tùy tiện, thiếu tính thẩm mỹ. Việc xanh hóa đô thị Pleiku là mục tiêu quan trọng đã được các cơ quan chuyên môn nỗ lực thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, về số lượng cây trồng có thể đạt chỉ tiêu nhưng chất lượng và mỹ quan của các “vùng xanh” chưa được quan tâm đúng mức.
Đến năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời theo xu thế chung trong việc phát triển các đô thị hiện đại hiện nay.
Để đô thị Pleiku phát triển bền vững
Xu thế phát triển đô thị xanh vì sức khỏe là hướng đi được nhiều nơi trên thế giới chú trọng và thực thi. Ở Tây Nguyên, nhiều đô thị cũng hướng đến mục tiêu “vị nhân sinh” này. Theo Tiến sĩ Trương Văn Quảng (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), kiến trúc sinh thái còn được gọi là kiến trúc xanh. Đó là xu thế kiến trúc bền vững, được coi là một trường phái triết lý tiến bộ nhất với mục tiêu phát triển vì tương lai xanh, thân thiện môi trường được thiết kế chú trọng đến sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người sử dụng và cộng đồng.
Chúng ta cần quyết tâm hành động vì một tương lai đô thị Pleiku phát triển hiện đại và mang bản sắc đặc trưng theo hướng cao nguyên xanh vì sức khỏe. Ảnh: Huy Tịnh |
Từ nhận thức và thực tiễn nói trên, chúng ta cần quyết tâm hành động vì một tương lai đô thị Pleiku phát triển hiện đại và mang bản sắc đặc trưng theo hướng cao nguyên xanh vì sức khỏe. Lấy tâm điểm là trục Bắc-Nam làm trục cảnh quan du lịch-văn hóa-nghệ thuật đặc trưng, kết nối Biển Hồ-Hàm Rồng.
Bên cạnh Biển Hồ là một trong những miệng núi lửa âm, là thắng cảnh được mệnh danh là “viên ngọc bích của Pleiku”, còn là di tích khảo cổ chứa đựng vết tích cư trú của cư dân cổ cuối thời đại đá mới, đầu thời đại kim khí, cách nay khoảng 3.500-4.000 năm. Từ đây nhìn hướng Đông Nam, núi Hàm Rồng như bức tường thành che chắn cho Phố núi thân yêu. Dọc theo trục này có nhiều thung lũng và dòng suối cần được khai thác, quy hoạch hình thành các phân khu để phát triển các chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch.
Đồng thời, ở nội thành cũng đang hình thành một trục cảnh quan, được xem là “lá phổi xanh” của TP. Pleiku. Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ năm 2013, giao cho UBND TP. Pleiku làm chủ đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng suối Hội Phú. Khu vực lập quy hoạch có tính chất là khu đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, góp phần hoàn chỉnh cảnh quan đô thị Pleiku.
Đây là dự án trọng điểm làm thay đổi bộ mặt cảnh quan nội thành, là điểm nhấn quan trọng của thành phố. Trên cơ sở hiện trạng của công trình đã và đang triển khai, các cơ quan chức năng của TP. Pleiku cần tiến hành một cách thận trọng, nhanh chóng hoàn chỉnh các hạng mục đã được thiết kế.
Cùng với đó, cần chú trọng việc quy hoạch, đầu tư phát triển các vành đai xanh và các lâm viên vùng ngoại ô như vành đai phía Đông, phía Tây Nam; thường xuyên kiểm tra, giám sát sự phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về môi trường và độ ô nhiễm; cần hiện đại hóa, xã hội hóa việc xử lý rác thải các loại một cách triệt để.
Các đồ án quy hoạch chung cũng như các phân khu, cứ 5 năm cần rà soát đánh giá lại và cần thiết phải điều chỉnh cho hợp với tình hình thực tế. Các phân khu khi hoàn thiện quy hoạch chi tiết cần công khai lấy ý kiến người dân để tiếp thu những đề xuất hợp lý, sáng tạo gắn với thực tiễn hơn.
Nguồn: Phát triển đô thị Pleiku hiện đại, bản sắc