Gia Lai: Pleiku lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa
Gia Lai: Nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến nông sản“ Gia Lai: Khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế tư nhân |
Tổ dân phố 10 (phường Yên Thế) hiện có 398 hộ/1.833 khẩu. Những năm qua, nhờ đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng địa phương. Ông Lê Ngọc Sơn-Trưởng ban Công tác Mặt trận-cho biết: “Chúng tôi gắn việc thực hiện phong trào với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng khu dân cư thực sự lành mạnh, an toàn. Năm 2022, tổ 10 không còn hộ nghèo, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 96,73%, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” 4 năm liên tục”.
Tương tự, thông qua công tác tuyên truyền, 400 hộ dân tại tổ dân phố 8 (phường Hoa Lư) cũng đã đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh. Ông Đỗ Ngọc Thạch-Tổ trưởng tổ dân phố-phấn khởi cho hay: Người dân đã tích cực gìn giữ trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đóng góp xây dựng hạ tầng. Riêng 4 năm nay, ngoài đóng góp đầy đủ các loại quỹ ở địa phương và các hoạt động an sinh xã hội, người dân tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, hiến đất, đóng góp tiền hơn 2,2 tỷ đồng sửa chữa, làm mới các tuyến đường, lắp đường điện chiếu sáng; xây dựng hội trường khang trang để phục vụ hội họp cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mỗi dịp lễ, Tết.
Người dân tổ 8-phường Hoa Lư đóng góp tiền xây dựng hội trường khang trang. Ảnh: Nhật Hào |
Theo ông Đinh Thanh Tuyên-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hoa Lư: Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, phòng-chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông với nhiều hình thức phong phú. Nhờ vậy, phong trào từng bước đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, phường có 3.787 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 97%); 11 làng, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt 100%); phường được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị, công sở văn hóa.
Tại xã Chư Á, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Năm 2022, xã có 100% thôn, làng được công nhận “Khu dân cư văn hóa”; 96% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có 2,6% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc”. Ông Nguyễn Trung Chính-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-cho hay: Để đạt được kết quả này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nhờ vậy, phong trào được cộng đồng dân cư hưởng ứng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, người dân còn tích cực tham gia gìn giữ an ninh trật tự, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Người dân xã Chư Á (TP. Pleiku) tham gia xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Nhật Hào |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mà phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố ngày càng lan tỏa rộng rãi và đi vào chiều sâu. Năm 2022, thành phố có 52.634 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 97,3%), tăng 3,3% so với năm 2021; 175 thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 138/140 cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nguồn: Pleiku lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa