Gia Lai: Pleiku ưu tiên phát triển “kinh tế xanh”
Gia Lai: Ông Trần Văn Hồ thu nhập khá nhờ chiết xuất tinh dầu sả Gia Lai: Mở rộng giao thương hàng hóa với doanh nghiệp nước ngoài |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cho biết: Thành phố Pleiku đang chú trọng phát triển “kinh tế xanh” nhằm thực hiện 3 nghị quyết, 1 chương trình trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố với một số định hướng quan trọng như: thu hút các dự án đầu tư đảm bảo thân thiện môi trường; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững; xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Là một trong những dự án trọng điểm, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai (236A Lê Duẩn, TP. Pleiku) được kỳ vọng sẽ là cơ sở khám-chữa bệnh chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong tỉnh cũng như khu vực lân cận. Chính thức được khởi công vào cuối tháng 9-2021, bệnh viện đa khoa tư nhân này có tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh. Theo thiết kế, bệnh viện gồm 12 tầng với diện tích sàn hơn 33.000 m2. Bệnh viện ưu tiên phát triển các khoa mũi nhọn mà người dân Gia Lai đang cần như: hồi sức cấp cứu; cấp cứu ngoại viện; khám, tầm soát phát hiện sớm ung bướu; điều trị và chăm sóc sức khỏe người già; chuyên sâu điều trị tim mạch…
Hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai được đầu tư bài bản với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Ảnh: H.D |
Thạc sĩ Nguyễn Thi-Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai-cho hay: “Bên cạnh việc đầu tư trang-thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo chuyên sâu, bài bản thì vấn đề đảm bảo môi trường cũng được chúng tôi chú trọng. Theo ước tính, khi bệnh viện chính thức đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 1-1,5 tấn rác thải sinh hoạt, 60-100 kg rác thải y tế nguy hại và một số loại rác thải nguy hại khác. Đối với rác thải sinh hoạt, chúng tôi đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai thu gom mỗi ngày. Đối với rác thải y tế nguy hại, chúng tôi ký hợp đồng với một doanh nghiệp chuyên thu gom, xử lý loại rác thải này ở Bình Định, cứ 2 ngày sẽ thu gom 1 lần. Còn các loại rác thải nguy hại khác như bóng đèn, pin…, chúng tôi cũng có hợp đồng trả lại cho đơn vị cung ứng. Bên cạnh đó, dự tính trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 210 m3 nước thải. Chúng tôi đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh với công suất 300 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, TP. Pleiku đã thu hút và đang triển khai một số dự án có ý nghĩa quan trọng như: Viện Nghiên cứu giống cây trồng quy mô 1,16 ha; khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô 7,46 ha; nhà máy tách, phân loại hoa quả xuất khẩu quy mô 1,35 ha... Với lợi thế quỹ đất màu mỡ và khí hậu ôn hòa, TP. Pleiku đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững. Theo đó, thành phố đã xây dựng được 4 chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo hướng bền vững (VietGAP, 4C) có tổng diện tích 378 ha với hơn 260 hộ tham gia. Thành phố cũng đang có 40 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được thành phố nhân rộng như: mô hình trồng dưa lê, dưa bạch kim Hàn Quốc, hoa cát tường trong nhà màng; phát triển cây mắc ca, cây dổi ăn hạt...
Thành phố Pleiku khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Ảnh: Hà Duy |
Hiện thành phố cũng đang triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, rà soát điều chỉnh một số quy hoạch chi tiết làm cơ sở tiếp tục triển khai 17 dự án gồm: 8 dự án khu dân cư, khu đô thị, khu biệt thự; 8 dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và 1 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, một số dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội như: Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya (tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng); tổ hợp thương mại-dịch vụ-shophouse (tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng); dự án khu miệng núi lửa âm làng Ốp (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300-400 tỷ đồng); khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng); Trung tâm thương mại 337 Trường Chinh (tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng); chợ đầu mối (tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng)... Tất cả những dự án TP. Pleiku đang triển khai, kêu gọi đầu tư đều đặt yêu cầu phải đảm bảo yếu tố môi trường.
Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết thêm: “Thành phố quyết tâm xây dựng, phát triển đô thị một cách bền vững, hợp lý, hài hòa; đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa, phấn đấu trở thành đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, xứng đáng là vùng động lực quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh. Để đạt mục tiêu đó, TP. Pleiku chủ trương đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trong cũng như ngoài nước, thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại và đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực: xây dựng các khu đô thị mới, các tổ hợp thương mại, khách sạn, khu vui chơi giải trí, dự án nông nghiệp công nghệ cao, các khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế chất lượng cao”.
Pleiku hiện được đánh giá là “cục nam châm” thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn để phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng định hướng. “Thành phố sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất dự án, dành nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư. Chính quyền thành phố cam kết nỗ lực hết sức để cùng đồng hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, tích cực trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch... Tất cả vì một mục tiêu lớn: Xây dựng đô thị Pleiku theo định hướng “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.
Nguồn: Pleiku ưu tiên phát triển “kinh tế xanh”