Gia Lai: Siết chặt quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh vận tải
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, năm 2021, cơ quan thuế quản lý thuế lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ đối với 105 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã và 101 hộ kinh doanh. Tổng số lượng xe quản lý thuế là 1.373 xe. Số thuế thu từ hoạt động kinh doanh vận tải đạt 45,04 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng thu ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thuần-Trưởng phòng Thanh tra-Kiểm tra số 2 (Cục Thuế tỉnh) cho biết: “Hiện nay có sự chênh lệch về số lượng xe được Sở Giao thông-Vận tải cấp phù hiệu để hoạt động kinh doanh vận tải và số lượng xe biển vàng do Công an tỉnh cấp so với số xe được cơ quan thuế quản lý thu. Đồng thời, có tình trạng chủ phương tiện đăng ký tham gia thành viên các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn chỉ nộp một khoản tiền dịch vụ cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng không đăng ký, kê khai nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương”.
Cũng theo ông Thuần, một số chủ phương tiện biển số xe tại Gia Lai lợi dụng quy định của pháp luật đã chuyển đi các tỉnh, thành phố khác để xin cấp phù hiệu, từ đó trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Bên cạnh đó, một số chủ phương tiện kinh doanh vận tải nhưng lại đăng ký xe phục vụ gia đình, phục vụ kinh doanh ngành nghề khác, không đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định...
Cục Thuế tỉnh tăng cường các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ. Ảnh: Lê Anh |
Theo Cục Thuế tỉnh, lợi dụng quy định cho phép các hợp tác xã được làm dịch vụ cho thành viên, một số hợp tác xã vận tải đã kết nạp thành viên, làm giấy xin cấp phù hiệu kinh doanh vận tải cho thành viên (chủ xe) để thu phí mà không quản lý hoạt động kinh doanh và không chịu trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế kinh doanh vận tải. Sau khi được cấp phù hiệu, chủ xe tự do kinh doanh, không kê khai nộp thuế. Mặt khác, công tác thống kê số lượng phương tiện vận tải trên địa bàn chưa đầy đủ. Sự phối hợp trong công tác quản lý thu thuế, quản lý phương tiện vận tải và kiểm tra, xử lý về thuế giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ; tính tự giác chấp hành pháp luật thuế của một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh chưa nghiêm túc, không kê khai đăng ký thuế, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Trước thực tế đó, mới đây, Cục Thuế tỉnh đã ban hành chuyên đề tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các chi cục thuế đôn đốc, xử lý các trường hợp có hoạt động kinh doanh vận tải nhưng chưa kê khai, nộp thuế hoặc kê khai, nộp thuế chưa tương xứng với doanh thu thực tế phát sinh theo quy định. Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chi cục thuế cần tham mưu giúp UBND cấp huyện ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường phối hợp, triển khai thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn phù hợp với thực tiễn tại địa phương để huy động sự tham gia, hỗ trợ của các phòng, ban chức năng. Đồng thời, trên cơ sở danh sách số lượng phương tiện được cấp phù hiệu hoạt động vận tải đường bộ; thông tin cấp giấy phép kinh doanh vận tải, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thông tin đăng kiểm phương tiện do cơ quan có thẩm quyền cung cấp hàng tháng, quý, các chi cục thuế thực hiện rà soát, kiểm tra thực tế, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế, xử lý vi phạm về thuế.
Bà Đoàn Thị Hồng Loan-Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến nội dung công tác quản lý thu thuế nói chung và thuế kinh doanh vận tải nói riêng đến các tầng lớp dân cư trong việc cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan thuế. Trong đó, chú trọng đến nghĩa vụ và quyền lợi của người nộp thuế để doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định”. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tuyên truyền cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; in tờ rơi, gửi tin nhắn, email...; niêm yết công khai cách tính thuế tại trụ sở chi cục thuế, đội thuế xã, phường, thị trấn; cung cấp kịp thời, đầy đủ các mẫu hồ sơ khai thuế...
Trên cơ sở số lượng phương tiện kinh doanh vận tải của tổ chức, cá nhân được Sở Giao thông-Vận tải cấp phù hiệu do Cục Thuế tỉnh cung cấp hàng tháng, các chi cục thuế chỉ đạo, đôn đốc việc quản lý thuế. Cục Thuế tỉnh đặt mục tiêu đến ngày 30-6 năm sau liền kề, việc quản lý thuế đạt tối thiểu 80% số lượng phương tiện kinh doanh vận tải đã cấp phù hiệu từ năm 2023 trở đi. Riêng số lượng phương tiện kinh doanh vận tải có phù hiệu được cấp trong năm 2022 thì đến ngày 30-6-2023 phải đạt tối thiểu 70%; phương tiện kinh doanh vận tải được cấp phù hiệu trước ngày 1-1-2022 thì tiếp tục khai thác, chống thất thu thuế.
Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho hay: “Thông qua việc ban hành chuyên đề, ngành Thuế tỉnh mong muốn cụ thể hóa các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ với việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này. Đi đôi với việc triển khai chuyên đề này, ngành Thuế tỉnh tiếp tục nâng cao sự hiểu biết, tinh thần tự giác tuân thủ các quy định pháp luật về thuế, định hướng hoạt động kinh doanh phát triển bền vững và minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước. Đây cũng chính là mục tiêu cốt lõi xuyên suốt mà ngành Thuế luôn hướng tới trong thực thi nhiệm vụ”.
Nguồn: Gia Lai siết chặt quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh vận tải