Gia Lai: Tạo “cú hích” thu hút đầu tư vào khu vực phía Đông
Gia Lai: Khai mạc chương trình Hành trình Đỏ lần thứ VIII Gia Lai: Phú Thiện đi đầu xây dựng làng nông thôn mới |
An Khê là một trong những địa phương sở hữu đa dạng tiềm năng để thu hút đầu tư. Trên lĩnh vực nông nghiệp, thị xã đã phát triển cây mía, rau các loại, hoa... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, An Khê cũng đã bắt đầu chú trọng phát triển cây dược liệu. Thị xã còn là vùng đất có tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo khá dồi dào.
Bên cạnh đó, An Khê là vùng đất giàu trầm tích lịch sử, có hệ thống thiết chế tín ngưỡng, di tích văn hóa phong phú và đa dạng, có nhiều lễ hội độc đáo, là cơ sở để thu hút đầu tư về du lịch. Đặc biệt, thị xã có di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá và Quần thể di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo cho các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh |
Trong khi đó, huyện Kbang không chỉ là vùng căn cứ cách mạng, quê hương Anh hùng Núp huyền thoại mà còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Bahnar; là nơi có tiềm năng du lịch bậc nhất khu vực phía Đông tỉnh. Nằm trong tiểu vùng sinh thái Đông Trường Sơn, Kbang có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp cho phát triển các vùng chuyên canh cây nông nghiệp hàng năm, cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu... Đây là tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản, chăn nuôi.
Đặc biệt, Kbang có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái như: Làng kháng chiến Stơr, khu di tích Vườn Mít-Cánh đồng cô Hầu, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thác Kon Lốc, thác Hang Dơi, hồ thủy điện Ka Nak... Tháng 9-2021, cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tất cả giúp Kbang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách và hình thành các tour du lịch lịch sử-văn hóa-sinh thái-nghỉ dưỡng hấp dẫn.
Nếu trước kia, nhắc đến Kông Chro, người ta nghĩ ngay đến vùng đất còn hoang sơ và nhiều khó khăn, khô hạn thì bây giờ, địa phương này đã từng bước thay da đổi thịt. Sự đổi thay đó một phần nhờ vào các dự án chăn nuôi, năng lượng tái tạo được triển khai trên địa bàn huyện. Với lợi thế diện tích đất tự nhiên rộng lớn, số giờ nắng cao, tốc độ gió khá lý tưởng, Kông Chro đang tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, tại huyện Đak Pơ, đồi thông Hà Tam (quần thể thông cổ thụ nằm trên ngọn núi cao chừng 1.200 m so với mực nước biển và được trồng từ thời Pháp thuộc) đang là điểm du lịch sinh thái lý thú dành cho du khách yêu thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên. Ngoài ra, huyện còn có suối Đak Hyam với nhiều thác nước, thác Võ đẹp hút hồn hay hệ thống đình miếu có lịch sử hàng trăm năm, bia đá Chăm… Đây là cơ sở để Đak Pơ đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Du khách khám phá thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc |
Hội nghị xúc tiến đầu tư do thị xã An Khê và các huyện phía Đông tỉnh tổ chức sẽ diễn ra ngày 14-7 tại An Khê với khoảng 250 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 160 đại biểu là nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Dự kiến dịp này sẽ có 19 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và khoảng 17 dự án được ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư. |
Với diện tích tự nhiên khoảng 1.126 km2, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như quốc lộ 19 nối các tỉnh Tây Nguyên với Cảng Quy Nhơn (Bình Định), tỉnh lộ 666 nối với huyện Ia Pa và kết nối quốc lộ 19 đến đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 19D, huyện Mang Yang đang sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển các dự án trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó, với hệ thống sông suối, rừng nhiệt đới, đồi thông trải dài cùng các buôn làng sở hữu nhiều nét văn hóa đặc sắc, Mang Yang cũng đang sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, trong đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là điểm nhấn đặc biệt để phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-nhận xét: “Các địa phương khu vực phía Đông tỉnh sở hữu rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Song, những năm qua, việc thu hút đầu tư vào khu vực này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Để tiếp tục giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư, giữa tháng 7 này, thị xã An Khê và các huyện phía Đông tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư”.
Ông Đặng Quốc Hoài Huy-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-thông tin: “Bên cạnh mục đích xúc tiến đầu tư, hội nghị cũng là dịp để thị xã An Khê và các huyện phía Đông tỉnh thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội nghị còn là cơ hội tạo kênh gặp gỡ trực tiếp giữa các nhà đầu tư; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động hợp tác, giao lưu kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”.
Nguồn: Tạo “cú hích” thu hút đầu tư vào khu vực phía Đông