Gia Lai: Thu nhập ổn định nhờ chế biến trái cây sấy
Gia Lai: Lãnh đạo tỉnh tham dự ngày hội tòng quân tại các địa phương Gia Lai: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động |
Vừa sắp xếp các sản phẩm vào tủ trưng bày, anh Chu kể về quá trình bén duyên với công việc chế biến trái cây sấy dẻo. Bố mẹ vợ anh có hơn 1 ha trồng rau củ quả và cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Để giúp bố mẹ tiêu thụ nông sản, vợ anh thường đăng giới thiệu sản phẩm trên trang Facebook cá nhân. Vào vụ thu hoạch, ngoài bán chanh đào tươi, vợ chồng anh còn sơ chế, ướp với mật ong, đường phèn để bán quanh năm; những quả chanh dây không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, anh Chu lấy phần ruột bên trong, đóng gói, cấp đông để bán dần, kiếm thêm thu nhập.
Anh Chu cho hay: Khi nhìn thấy những buồng chuối mốc chín vàng ươm, thơm nức vườn mà không bán được, bỏ thì tiếc nên vợ chồng anh nảy sinh ý tưởng làm chuối sấy. Anh cải tiến quy trình phơi chuối dưới nắng thành sấy qua máy để bảo quản được lâu hơn. Anh đăng ký tham gia lớp học online về quy trình sản xuất, bảo quản chuối sấy dẻo. Tháng 10-2021, anh mua 1 chiếc máy sấy 16 tầng và áp dụng kiến thức học hỏi vào quy trình chế biến.
Bước đầu, anh tận dụng nguồn nguyên liệu của gia đình để chế biến. Tuy nhiên, những mẻ chuối sấy đầu tiên không đạt yêu cầu. Chuối sau khi sấy, ăn vẫn còn vị chát, dai cứng, sẫm màu. Không nản lòng, anh tiếp tục mày mò cải tiến quy trình. “Rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, tôi đã điều chỉnh thời gian sấy; quá trình ngâm nước phù hợp để khi ra thành phẩm, chuối có vị ngọt tự nhiên, dẻo thơm, màu nâu óng, hấp dẫn”-anh Chu phấn chấn nói.
Gia đình anh Lê Văn Chu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) có thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng từ các sản phẩm trái cây sấy. Ảnh: Ngọc Minh |
Cũng theo anh Chu, để chế biến được chuối sấy dẻo ngọt thơm thì chuối phải chín tự nhiên. Sau đó, bóc vỏ bên ngoài, lấy hết dây xơ, bột bám xung quanh. Tùy theo mức độ chuối chín mà thời gian ngâm nước dài hay ngắn. Sau đó, rửa sạch để ráo nước, ép quả mỏng thành miếng, xếp vào khay sấy 8-10 giờ. Cứ 5 kg chuối tươi cho ra 1 kg chuối sấy dẻo với giá bán 130 ngàn đồng/kg.
Cùng với đó, vợ chồng anh Chu còn chế biến món mãng cầu xiêm sấy dẻo được khách hàng đánh giá cao. Chị Đường Tiểu My (vợ anh Chu) cho hay: Mãng cầu xiêm chín sẽ được loại bỏ vỏ, lõi bên trong. Trong quá trình sơ chế, chị cắt ra từng miếng vừa ăn, cho thêm chút đường để giảm bớt độ chua, tạo độ kết dính. Trải qua thời gian sấy 8-10 tiếng đồng hồ, những miếng mãng cầu cô dẻo, vẫn giữ mùi thơm đặc trưng, hòa quyện vị chua chua ngọt ngọt, rất hấp dẫn. Để tăng thêm vị, mỗi hộp mãng cầu chị bỏ thêm gói muối ớt, dành cho những khách hàng thích ăn cay, đậm vị. “Sau Tết, nhiều người đặt mua mãng cầu xiêm sấy dẻo. Tôi đang liên hệ bà con thu mua nguyên liệu, kịp chế biến để trả đơn khách hàng. Khi mở rộng quy mô sản xuất, toàn bộ nguyên liệu tôi phải tìm mua của các hộ sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP”-chị My vui vẻ nói.
Chị Đường Tiểu My (vợ anh Lê Văn Chu) sấy chuối cung cấp cho thị trường. Ảnh: Ngọc Minh |
Không dừng lại ở 2 món trái cây sấy, vợ chồng anh Chu còn tận dụng các loại nông sản của địa phương để chế biến các món ăn vặt khác như: gừng rim, đậu trắng rim, me sấy dẻo muối ớt, đậu phộng cháy tỏi ớt, chùm ruột rim, snack khoai sấy, rượu nếp cẩm… hay món dừa non xào sữa với các vị truyền thống, màu tự nhiên như xanh lá dứa, nâu của cà phê, đỏ của gấc, vàng chanh dây, màu tím của hoa đậu biếc. Ngoài ra, vợ chồng anh còn làm lạp xưởng, xúc xích nhồi sụn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy nhồi, máy sấy, máy hút chân không, giúp cho việc chế biến sản phẩm nhanh, hiệu quả hơn. “Có máy móc hỗ trợ, kịp thời sản xuất hàng hóa, cung ứng thị trường đều đặn đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình gần 20 triệu đồng/tháng. Riêng tháng Chạp vừa rồi, gia đình phải thuê thêm người làm mới kịp trả đơn cho khách; thu nhập tăng gần 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-anh Chu thông tin.
Thường xuyên mua các loại mứt, trái cây sấy về thưởng thức và tặng người thân, bạn bè, chị Nguyễn Thị Hậu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) nhận xét: “Gia đình anh Chu sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Các loại trái cây sấy dẻo thơm ngon, tiện lợi, dễ sử dụng, giá cả phải chăng. Ngoài mua tiêu dùng, dịp Tết Quý Mão 2023, tôi mua chuối sấy dẻo, snack khoai tẩm mật ong, dừa sữa non ngũ vị làm quà biếu bạn bè, người thân bên Mỹ”.
Biết các sản phẩm trái cây sấy dẻo của gia đình anh Chu qua trang Facebook, chị Hồ Thị Mỹ Yên (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã đặt mua sử dụng và bán cho người tiêu dùng. Theo chị Yên, các sản phẩm được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản nên khách hàng tin tưởng, chị nhập đến đâu bán hết tới đó. “Riêng tháng Chạp vừa rồi, tôi nhập hơn 2 tạ sản phẩm. Trong đó, khách hàng phản hồi rất tích cực với món dừa non xào sữa, chuối sấy dẻo và mãng cầu sấy dẻo chấm với muối ớt. Thời gian tới, tôi tiếp tục lấy hàng của gia đình anh Chu về bán”-chị Yên chia sẻ.
Chỉ tay về phía khu đất sau nhà, chị My tiết lộ: “Từ giờ tới cuối năm, vợ chồng tôi cố gắng xây dựng khu chế biến, đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất đa dạng các loại sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập và góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương”.
Nguồn: Thu nhập ổn định nhờ chế biến trái cây sấy