Gia Lai: Trọn thanh xuân với miền biên ải
Gia Lai: Không để hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết Gia Lai: Bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ |
Và, nói như Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng thì “đồng chí ấy luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, gia đình”.
Gần dân, sâu sát cơ sở
Nếu nghĩ đến lợi ích cá nhân thì có lẽ anh Nguyễn Tuấn Anh đã lựa chọn việc nhẹ nhàng, thậm chí rời xã biên giới để về TP. Pleiku cho gần nhà. Đằng này, anh dành 20 năm thanh xuân gắn bó với vùng biên xa ngái cũng chỉ bởi tinh thần trách nhiệm và những trăn trở của người cán bộ, đảng viên trước khó khăn của người dân.
3 năm đầu về công tác tại xã, anh xin ở nhờ nhà dân. Mỗi làng, anh xin ở nhờ vài ngày. Phần vì thời điểm ấy, xã chưa có nhà công vụ cho cán bộ, công chức xa nhà. Phần vì anh muốn gần dân, tìm hiểu cuộc sống của bà con, học tiếng Jrai để thuận tiện hơn trong công tác tuyên truyền, vận động. Năm 2006, anh quyết định mua đất, dựng ngôi nhà cấp 4 gần trụ sở UBND xã để tiện cho việc sinh hoạt và cũng khẳng định lời cam kết sẽ gắn bó dài lâu với vùng đất này.
Với “vốn liếng” tích lũy trong 3 năm “cùng ăn, cùng ở” với bà con, anh đã tuyên truyền, vận động, giải thích giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng của các giấy tờ liên quan đến hộ tịch.
Chị Kpă H’Mili (làng Klăh) chia sẻ: “Nhiều người dân trong làng không có thói quen cất giữ giấy tờ, khi nào cần đến mới đi làm. Mình nhờ cán bộ tuyên truyền mới hiểu ra vì sao phải đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, thậm chí người chết rồi phải khai tử... Hiểu rồi nên mình luôn chấp hành nghiêm”.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh (giữa) luôn gần gũi cơ sở và được người dân tin quý. Ảnh: A.H |
Trong công tác tuyên truyền, anh luôn bắt đầu từ người già, tiếp đến là phụ nữ. Bởi anh hiểu với người Jrai, tiếng nói của người lớn tuổi rất có sức nặng và người phụ nữ có quyền quyết định mọi việc. Đó cũng là bí quyết để anh cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương áp dụng trong quá trình vận động 143 hộ dân thuộc làng H’Náp và làng Khôi di dời về nơi ở mới, nhường quỹ đất xây dựng công trình thủy lợi Ia Mơr hơn 10 năm về trước.
Chia sẻ về điều này, anh cho hay: “Rời khỏi mảnh đất cha ông để lại là điều khó khăn với mỗi người, đặc biệt là người già. Vậy nên, trong quá trình tuyên truyền, vận động, chúng tôi xác định phải kiên trì, tuyệt đối không nóng vội. Phải để người dân hiểu được chủ trương, chính sách và sự đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như giá trị công trình thủy lợi mang lại. Chỉ khi hiểu ra, bà con mới tự nguyện và chúng tôi đã làm được”.
Nhắc đến Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tuấn Anh, bà Ksor H’Blâm-già làng Krông đã dành những lời ngợi khen: “Từ trước đến nay chưa có cán bộ nào từ nơi khác đến mà gắn bó với xã, với làng lâu như thế, tận tình như thế. Kiên trì lắng nghe dân nói, giải thích cho dân hiểu. Việc khó dân làm chưa đúng thì hướng dẫn, giúp đỡ. Xuống với dân luôn hòa đồng, gần gũi, không ngại khó, ngại bẩn. Dân làng ai cũng yêu quý và muốn cán bộ Tuấn Anh ở mãi với biên giới!”.
Lội ruộng thực hành trồng lúa nước
Để người dân có kiến thức, kỹ năng và niềm tin trong việc chuyển đổi diện tích lúa rẫy sang trồng lúa nước, anh Nguyễn Tuấn Anh cùng với Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nông Văn Hoàng triển khai mô hình điểm ngay khi một vài chân ruộng có nước. Cụ thể, năm 2021, 2 anh đã mượn 1,5 ha đất trống của người dân gần nhánh kênh của công trình thủy lợi Ia Mơr và vận động thêm 10 hộ có ruộng liền kề cùng tham gia.
Cứ hết giờ hành chính, người dân lại thấy 2 cán bộ cùng xắn quần lội ruộng. Vừa làm, vừa hướng dẫn bà con thực hành các công đoạn trong quy trình làm lúa nước như: vệ sinh đồng ruộng, làm đất, dẫn nước, đắp bờ, gieo sạ, làm cỏ, bón phân... Mặc dù nguồn nước chưa ổn định, thêm vào đó các chân ruộng lại là đất pha cát, song năng suất bình quân vẫn đạt 6 tấn lúa tươi/ha.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (đứng giữa) hướng dẫn người dân chăm sóc lúa nước. Ảnh: A.H |
Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông: Những đổi thay ở vùng biên giới Ia Mơr có sự đóng góp tích cực của đồng chí Nguyễn Tuấn Anh. Đồng chí là cán bộ năng động, sáng tạo, luôn giữ mối quan hệ đoàn kết tốt trong nội bộ cấp ủy, chính quyền, các đơn vị lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn. |
Tiếp nối mô hình điểm của 2 cán bộ xã, vụ mùa 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình điểm trên diện tích 10 ha về sản xuất lúa nước theo quy trình làm đất, gieo sạ, sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao tại làng Klăh.
Đây được xem là “cú hích” làm thay đổi đời sống lẫn diện mạo nông thôn ở vùng biên Ia Mơr. 18 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tham gia tập huấn kỹ thuật làm đất, ngâm ủ hạt giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.
“Có một vài hộ đăng ký tham gia nhưng đến phút cuối xin rút tên. Thành ra, trong khu vực làm mô hình điểm có xen vài thửa ruộng bà con vẫn canh tác lúa rẫy 6 tháng. Khi cây lúa phát triển, bà con lại có hình ảnh trực quan để so sánh. Khi thu hoạch, năng suất vượt xa mong đợi, đạt 9 tấn lúa tươi/ha”-Phó Chủ tịch UBND xã thông tin.
Thực tế này đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cách làm của người dân; 100% hộ dân có đất canh tác gần các nhánh kênh mương đều đã chủ động chuyển sang trồng lúa nước 2 vụ. Đời sống của người dân nhờ thế cũng có nhiều chuyển biến; số hộ nghèo giảm từ 19,53% (đầu năm 2023) xuống còn 15,18%.
Không dừng lại ở trồng trọt, anh còn làm chuồng nuôi 4 con dê và 4 con heo nái, cung cấp heo giống (heo đen, heo sọc dưa) cho người dân trong xã. Việc của xã, việc của dân cộng với đường sá xa xôi nên anh ít về thăm nhà.
Anh bộc bạch: “Có một thời gian, vợ chồng mình gần như “chiến tranh lạnh”. Nhưng rồi, cả 2 ngồi lại trò chuyện, chia sẻ, cảm thông cho công việc của nhau. Vợ mình chọn lui về kinh doanh, chăm sóc con cái. Nhờ đó mình cũng yên tâm công tác”.
Nguồn: Trọn thanh xuân với miền biên ải