Gia Lai: Vốn khuyến công đòn bẩy của công nghiệp nông thôn
Hiệu quả từ nguồn “vốn mồi”
Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 21-5-2012 của Chính phủ về khuyến công, trong giai đoạn 2012-2022, tổng kinh phí thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 60 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia gần 13 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hơn 4,2 tỷ đồng, nguồn kinh phí đối ứng của các cơ sở sản xuất CNNT gần 43 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí này đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề nhằm khôi phục, củng cố, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến nhằm hướng tới xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển cụm công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.
Công ty TNHH một thành viên Thương mại-dịch vụ Thái Sơn Tây Nguyên được hỗ trợ 800 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Ảnh: Vũ Thảo |
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Từ nguồn kinh phí khuyến công hàng năm, ngành Công thương đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, các đơn vị thụ hưởng có thêm điều kiện đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại để mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, việc đưa các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi sản phẩm của địa phương đến các vùng miền trên khắp cả nước.
Là đơn vị được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 từ Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến bảo quản thực phẩm, đồ uống”, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) đã nâng cấp dây chuyền sản xuất, đóng gói sản phẩm.
Ông Nguyễn Nam Phong-Phó Giám đốc Công ty-cho hay: “Công ty đang sản xuất rau củ ứng dụng công nghệ cao. Nông sản sau khi thu hoạch được phân loại, làm sạch để loại bỏ các tạp chất, tiếp đó đưa qua hệ thống máy rửa công nghiệp sục ozone rồi đóng gói tự động. Ngoài ứng dụng công nghệ hiện đại trong trồng và chăm sóc thì khâu đóng gói có vai trò quan trọng trong việc bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi tiếp cận chính sách khuyến công, Công ty đã đầu tư lắp đặt máy đóng gói tự động có công suất 40-120 gói/phút với tổng kinh phí 610 triệu đồng (trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, nguồn đối ứng của doanh nghiệp 310 triệu đồng). Sản phẩm được đóng gói bằng máy tự động giúp nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, Công ty có thể thực hiện các hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn”.
Với cơ sở rang xay cà phê Thảo Hiên (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai), việc được hỗ trợ máy rang xay công nghệ cao đã giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Thảo-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Nhờ có máy rang xay công nghệ hiện đại, cơ sở không còn phải rang thủ công như trước đây. Từ đó, cơ sở mạnh dạn sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm cà phê khác nhau, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, sản phẩm cà phê Mộc đặc biệt Thảo Hiên đã đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Sản lượng hàng bán ra của cơ sở cũng ngày một tăng lên”.
Qua 10 năm triển khai công tác khuyến công, toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 8 hợp tác xã, 18 hộ kinh doanh và 3 cơ sở CNNT thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng. Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã phát huy vai trò là “vốn mồi”, kích thích cơ sở sản xuất CNNT mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tạo sức bật cho CNNT phát triển
Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho biết: “Nếu sản xuất với dây chuyền thủ công đơn giản sẽ khó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sức cạnh tranh của sản phẩm theo đó cũng sẽ giảm đi. Do đó, khi được tiếp cận nguồn kinh phí khuyến công, Hợp tác xã đã mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng được thương hiệu. Tôi mong muốn tiếp tục được hỗ trợ kinh phí để đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước giảm bớt các công đoạn sản xuất theo phương pháp thủ công”.
Việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao để hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ. Ảnh: Vũ Thảo |
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng theo đánh giá của Giám đốc Sở Công thương, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: đa số cơ sở CNNT có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ thiết bị sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế, trình độ tay nghề lao động chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghiệp; công tác xây dựng kế hoạch, đề xuất đề án khuyến công, chất lượng hồ sơ đăng ký các đề án còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đề án khuyến công chưa đa dạng và mới chỉ tập trung vào một số nội dung như mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Kinh phí khuyến công địa phương còn thấp so với nhu cầu đầu tư của các cơ sở CNNT nên hiện vẫn còn nhiều đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận nội dung cũng như thông tin hỗ trợ kinh phí khuyến công.
“Để chương trình khuyến công đạt kết quả tốt trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền để giúp các cơ sở CNNT nắm bắt kịp thời các chính sách và nội dung hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, từ đó tích cực chủ động tham gia… Đặc biệt, cần phát huy vai trò của mạng lưới cán bộ làm công tác khuyến công ở cơ sở trong việc khảo sát, tư vấn, hướng dẫn, lập đề án triển khai thực hiện sát với thực tế và nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Song song với đó, gắn hoạt động khuyến công với việc hỗ trợ xúc tiến thương mại để sản phẩm CNNT tiêu biểu có định hướng về thị trường tiêu thụ tốt hơn”-ông Binh cho biết thêm.
Nguồn: Vốn khuyến công: “Đòn bẩy” của công nghiệp nông thôn Gia Lai