Giá xăng dầu hôm nay (1-3): Giá xăng giảm tiếp?
Giá xăng dầu hôm nay 28/2: Dầu Brent giảm hơn 1% Giá xăng dầu hôm nay 27/2: Dầu thô WTI đang ở mức 76,47 USD/thùng |
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, giá dầu đã tăng gần 2%, lấy lại được những mất mát của phiên trước đó, do hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc bù đắp cho những lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất sẽ làm giảm tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá xăng dầu đang phục hồi chờ dữ liệu kinh tế Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu Brent giao tháng 4, hết hạn vào ngày 28-2, tăng 1,44 USD, tương đương 1,8%, lên mức 83,89 USD/thùng. Hợp đồng Brent giao tháng 5 sôi động hơn đã tăng 1,41 USD, tương đương 1,7%, lên mức 83,45 USD/thùng.
Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,37 USD, tương đương 1,8%, lên mức 77,05 USD/thùng.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Group nhận xét giá dầu đang đi đến điểm phục hồi ngắn hạn vì là cuối tháng.
Trong tháng 2, giá dầu Brent giảm khoảng 0,7%, trong khi dầu WTI giảm khoảng 2,5%.
Kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc đã củng cố mức tăng. Thị trường đang “hóng” dữ liệu quan trọng về Trung Quốc. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters kỳ vọng hoạt động của nhà máy tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trong tháng 2.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết: “Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa của nước này cao hơn, trong đó dầu mỏ được hưởng lợi nhiều nhất”.
Cũng theo Reuters, xuất khẩu dầu thô Ural sang Trung Quốc từ các cảng phía Tây của Nga đã tăng trong tháng 2 so với tháng trước, do chi phí vận chuyển thấp hơn và nhu cầu tăng.
Một cuộc thăm dò của Reuters chỉ ra rằng giá dầu dự kiến sẽ tăng hơn 90 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu của Trung Quốc phục hồi và sản lượng của Nga giảm.
Các nhà phân tích dầu mỏ của JPMorgan vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2023 ở mức 90 USD/thùng.
Mức tăng trong phiên của giá dầu bị hạn chế bởi mối đe dọa Mỹ sẽ tăng lãi suất sau dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng mới cao hơn dự kiến đối với hàng hóa vốn cốt lõi của Mỹ trong tháng 1. Thêm vào đó, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Philip Jefferson cho biết lạm phát dịch vụ vẫn ở mức "cao khó kiểm soát".
Dự trữ dầu của Mỹ cùng sản lượng dầu của OPEC tăng sẽ tiếp tục kìm hãm giá xăng dầu tăng vọt. Ảnh minh họa: Reuters |
Nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nhận xét “tiếng nói của những người kỳ vọng Fed tăng lãi suất 0,5% vào tháng tới đang ngày càng lớn hơn”.
Thêm vào đó, trong tháng 2, OPEC đã sản xuất 28,97 triệu thùng/ngày, tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng Giêng. Tuy nhiên, sản lượng vẫn giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9-2022.
Trong khi sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 12-2022 giảm xuống 12,10 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 8-2022, dự trữ dầu thô của Mỹ liên tục tăng và nhiều khả năng tăng tuần thứ 10 liên tiếp.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu của Mỹ tăng khoảng 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24-2. Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được đưa ra vào hôm nay.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-3 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.542 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 23.443 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.806 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.846 đồng/lít. Dầu mazut không quá 14.251 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay. Dự báo giá sẽ tiếp tục giảm với giá xăng có thể giảm từ 310-350 đồng/lít, giá dầu hỏa và dầu diesel có khả năng giảm từ 500-520 đồng/lít (kg).
Nguồn: Giá xăng dầu hôm nay (1-3): Giá xăng giảm tiếp?