Giá xăng dầu hôm nay 28/8: Vượt áp lực, dầu thô có tuần tăng giá mạnh
Giá xăng dầu hôm nay 27/8: Dầu thô vững đà tăng Giá xăng dầu hôm nay 26/8: Dầu WTI đạt 94,83 USD/thùng |
Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 22/8 với xu hướng lao dốc mạnh bởi lo ngại nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung được cải thiện và đồng USD mạnh hơn.
Liên tiếp các dữ liệu kinh tế được phát đi từ châu Âu, Trung Quốc… đều cho thấy các nền kinh tế hàng đầu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, thậm chí đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7/2022 đã chậm lại do các biện pháp phòng chóng dịch nghiêm ngặt. Sản lượng công nghiệp tháng 7 của Trung Quốc tăng 3,8% so với một năm trước nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 4,6%. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,7% so với mức dự báo 5% và mức tăng trưởng 3,1% trong tháng 6/2022.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 12,53 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và thấp hơn 8,8% so với mức tháng 7/2021. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà máy lọc dầu quốc doanh như Sinopec và PetroChina ngừng hoạt động và thu hẹp biên độ tinh chế.
Lạm phát tại nhiều nền kinh tế châu Âu ở mức cao bởi giá năng lượng tăng, và được dự báo sẽ khó hạ nhiệt khi mà nguồn cung khí đốt khan hiếm đã đẩy giá khí đốt lên mức kỷ lục.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 22/8/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 89,51 USD/thùng, giảm 0,93 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 95,60 USD/thùng, giảm 1,12 USD/thùng trong phiên.
Tuy nhiên, khi áp lực giảm giá vẫn rất lớn, giá dầu ngày 23/8 bất ngờ tăng mạnh trở lại nhờ kỳ vọng nhu cầu dầu từ Trung Quốc phục hồi khi Trung Quốc liên tiếp thực hiện các quyết định hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế.
Cụ thể, Ngân hàng Trung Quốc (PBoC) ngày 22/8 tiếp tục thông báo hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, PboC hạ lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm giảm 0,05 điểm phần trăm – từ mức 3,7% xuống 3,65%.
Không chỉ tại Trung Quốc, thị trường cũng đặt kỳ vọng nhu cầu dầu ở châu Âu sẽ tăng mạnh khi nhiều quốc gia trong khu vực đang bế tắc trong việc đảm bảo nguồn cung khí cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc kêu gọi việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, các quốc gia châu Âu sẽ phải tìm đến các nguồn cung khác, trong đó có dầu thô. Tuy nhiên, việc này cũng không dễ khi mà các lệnh cấm vận dầu thô Nga sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Giá dầu còn được thúc đẩy bởi thông tin OPEC+ có thể sẽ giảm sản lượng trước khả năng Iran tăng nguồn cung thời gian tới. Đây được xem là động thái tạo thế căn bằng cung-cầu và đảm bảo giá dầu ở mức lý tưởng của OPEC+.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng giá dầu giao sau, đã giảm hơn 25% so với mức đỉnh hồi đầu mùa hè, không phản ánh sự thắt chặt của thị trường giao ngay và nhóm các nhà sản xuất OPEC + có thể cần phải cắt nguồn cung cấp để chấm dứt tình trạng 'chênh lệch' đó.
Trích dẫn thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ, Reuters cũng cho biết dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ (SPR) hiện chỉ còn 453,1 triệu thùng, sau một đợt sụt giảm đáng kể khác trong tuần trước khiến dự trữ khẩn cấp ở mức thấp chưa từng thấy trong 35 năm.
Đồng USD yếu hơn cũng là nhân tố thúc đẩy giá dầu đi lên. Và tính đến đầu giờ sáng ngày 24/8/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 93,71 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 23/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã tăng 2,97 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 100,23 USD/thùng, tăng 0,01 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 3,54 USD so với cùng thời điểm ngày 23/8.
Động lực hỗ trợ tiếp tục được củng cố khi thị trường ghi nhận triển vọng tiêu thụ dầu năng lượng ở Mỹ tăng cao. Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này đã giảm 3,3 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước trước.
GDP quý II/2022 của Mỹ sau khi điều chỉnh đã giảm 0,6%, thấp hơn đáng kể con số 0,9% được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 7/2022.
Thông tin này cho thấy nhu cầu năng lượng của Mỹ đang có xu hướng phục hồi mạnh, bất chấp việc nước này đang thực hiện việc xả kho dự trữ chiến lược 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, dữ liệu tồn kho dầu thô và xăng dầu cũng cho thấy sức tiêu thụ xăng của nền kinh tế Mỹ đang có chiều hướng suy giảm. Một chỉ báo tiêu cực về nguy cơ suy giảm kinh tế trong thời gian tới.
Giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi quan điểm cứng rắn, không nhượng bộ về vấn đề Thoả thuận hạt nhân của Iran, thoả thuận có thể mở ra khả năng thị trường sẽ có thêm 1 triệu thùng/ngày. Điều này đã thu hẹp đáng kể khả năng hoạt động xuất khẩu dầu của Iran được nới lỏng.
Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 92,97 USD/thùng, tăng 0,45 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 100,80 USD/thùng, tăng 1,46 USD/thùng trong phiên.
Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thô đã có tuần tăng giá mạnh.
Tại thị trường trong nước, ngày 22/8, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành từ ngày 22/8 cho các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, căn cứ vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới và các mục tiêu điều hành giá, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít), xăng RON 95 ở mức 493 đồng/lít (kỳ trước là 750 đồng/lít), dầu diesel ở mức 250 đồng/lít (kỳ trước là 350 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 650 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg (kỳ trước là 716 đồng/kg). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 niêm yết không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III niêm yết không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S niêm yết không cao hơn 23.759 đồng/lít; giá dầu hỏa niêm yết không cao hơn 24.056 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S niêm yết không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Mặc dù có xu hướng tăng mạnh trong tuần giao dịch từ ngày 22/8, giá dầu tuần tới được dự báo sẽ gặp không ít thách thức khi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất mới và nguồn cung dầu được cải thiện khi Nga đã phát đi tín hiệu sẵn sàng chiết khấu tới 30% cho các hợp đồng mua dầu dài hạn với các nước châu Á, số lượng giàn khoan tại Mỹ cũng được ghi nhận tăng…
Nguồn: Giá xăng dầu hôm nay 28/8: Vượt áp lực, dầu thô có tuần tăng giá mạnh