Giải pháp phát triển điện khí LNG tại Việt Nam
Ứng dụng nhiên liệu LNG giảm thiểu tác động môi trường
TS. Nguyễn Hữu Lương, chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, với khả năng lưu trữ năng lượng lớn và giảm lượng khí thải độc hại, LNG đã trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí đáng kể.
Ông Lương giải thích, LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng được chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng để thuận tiện cho quá trình vận chuyển. Khi chuyển từ trạng thái khí sang lỏng thì thể tích của khí thiên nhiên sẽ giảm đi 600 lần. LNG có thể tích bằng 1/600 lần so với thể tích khí thiên nhiên và chứa chủ yếu thành phần methane. Hiện tại, khí LNG được ứng dụng bởi 5 ngành chính, đó là dân dụng và thương mại như làm nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà.
Trong giao thông vận tải sẽ làm nhiên liệu để thay thế cho DO và FO. Trong Công nghiệp làm nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho sản xuất thép, xi măng, gốm... Điện khí/LNG sạch hơn 1/2 phát thải so với điện than truyền thống, là bước chuyển tiếp từ than sang năng lượng tái tạo. Trong hóa chất/hóa dầu: sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi…
Kho chứa LNG Thị Vải của PV GAS |
Trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì nó tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài.
“Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các quy định”, ông Lương cho hay.
Trong xây dựng, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn nhiều so với dầu diesel truyền thống, có nghĩa là ít khí thải độc hại hơn tại các công trường xây dựng. Thiết bị xây dựng chạy bằng LNG có thể mang lại tiết kiệm chi phí đáng kể do chi phí nhiên liệu thấp hơn và tuổi thọ động cơ lâu hơn. LNG cũng có thể sử dụng tại các công trường xây dựng ở vùng sâu vùng xa nơi các nguồn nhiên liệu khác có thể không dễ dàng tiếp cận.
Trong logistics vận tải, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn cho tàu vận tải, sản xuất ra lượng lưu huỳnh và chất thải rắn đáng kể ít hơn so với dầu DO truyền thống. Các tàu chạy bằng LNG tiết kiệm nhiên liệu hơn và không gây tiếng ồn so với các tàu truyền thống. Với sự thúc đẩy toàn cầu về vận tải bền vững, nhiều công ty đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để tuân thủ các quy định và giảm thiểu tác động môi trường của họ.
Về nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 – 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% – 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ giao động từ 55% - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; Công nghiệp; Sản xuất phân bón và hóa dầu.
Cần cơ chế, chính sách cho phát triển LNG
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc phát triển điện khí LNG hiện đang đối mặt nhiều thách thức như thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu trong các quy hoạch điện; thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận pháp luật, kinh tế, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG; bỏ bảo lãnh Chính phủ nhưng doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế;vấn đề ban hành khung giá phát điện cho Nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét;…
Trong số các thách thức trên, TS Nguyễn Quốc Thập cho rằng, khó khăn và thách thức lớn nhất là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của doanh nghiệp còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án.
Trước thực trạng đó, TS Nguyễn Quốc Thập đề xuất, cần thay đổi nhận thức và tư duy, điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện mà cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy. Điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn.
Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch điện: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn; thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG; kích cầu điện, kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng; tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết huy động tổng sản lượng điện.
Cùng với đó, cần cập nhật, sửa đồi điều lệ và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế Nhà nước nhằm bảo đảm các DN có đầy đủ cơ sơ pháp lý để cam kết và thế chấp với các chủ thể trong Hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện. Đồng thời các tập đoàn kinh tế Nhà nước được quyền cam kết và thế chấp tài sản hay dòng tiền của tập đoàn trong các giao dịch pháp luật, kinh tế, thương mại.
Đặc biệt, theo chuyên gia, cần thiết phải một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu quy hoạch năng lượng và quy hoạch điện VIII. Qua đó, có cơ hội xây dựng cơ chế chính sách điện khí LNG nói riêng và năng lượng nói chung. Có cơ hội xây dựng mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả và tối ưu điện khí LNG.
Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Học viện Tài chính cũng đề xuất hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.
Nguồn: Giải pháp phát triển điện khí LNG tại Việt Nam