Giải pháp tăng cường thu hút du khách quốc tế
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt trên 1,53 triệu lượt. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, tổng số khách đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các thị trường quen thuộc với nước ta có sự phục hồi ấn tượng. Hàn Quốc tiếp tục trở thành nước gửi khách lớn nhất với hơn 840.000 lượt, chiếm 27,7%). Tiếp theo, Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ có lượng khách lần lượt đạt hơn 540.000 lượt, 198.000 lượt và 156.000 lượt.
Từ kết quả trên, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, chính sách thị thực thông thoáng cùng sự nỗ lực của các địa phương trong xây dựng sản phẩm, tăng cường quảng bá đã góp sức khiến thị trường du lịch quốc tế tăng mạnh ngay từ đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng để du lịch Việt Nam phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, ông Khánh cũng đưa ra nhận định, để đạt được mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng với giai đoạn “hoàng kim” năm 2019, ngành du lịch đang cùng các địa phương, doanh nghiệp nỗ lực trở lại “đường đua”, với động lực từ cơ chế, chính sách mới.
Thị trường du lịch Việt Nam ghi nhận tín hiệu khả quan từ thị trường khách quốc tế ngay trong 2 tháng đầu năm 2024. |
Ông Vũ Văn Tuyên - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam - cho biết: "Năm 2024, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng du lịch đột phá, cao hơn rất nhiều so với năm 2023. Với những tín hiệu như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng hết tháng 5/2024, lượng khách quốc tế có thể đạt 10 triệu lượt và lên đến hơn 20 triệu lượt cho cả năm".
Theo ông Tuyên, dự báo tích cực bắt nguồn từ nhu cầu phát triển nhanh chóng. Vào mùa cao điểm năm nay các công ty lữ hành đang gặp khó trong việc tìm hướng dẫn viên nói tiếng Pháp bởi đông đảo người dân từ những quốc gia sử dụng ngôn ngữ này đã có lịch tới Việt Nam từ rất sớm. Cùng với đó, người Italy, Tây Ban Nha đang tới Việt Nam nhiều hơn ngay trong các giai đoạn thấp điểm.
Ngoài ra, Việt Nam dự báo "bùng nổ" ở một số thị trường mới như Ấn Độ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, quốc gia này tiếp tục mang đến tín hiệu lạc quan với mức tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 8 trong top 10 thị trường hàng đầu.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, bên cạnh hoạt động nới lỏng thị thực với nhiều nước của Chính phủ Việt Nam, các du khách biết đến Việt Nam nhiều hơn bởi các điểm đến trong nước liên tục được vinh danh.
Mặt khác, trong tháng 2, nước ta cũng ghi nhận một số thị trường gửi khách giảm, chủ yếu từ các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản.
Do đó, để tìm giải pháp thúc đẩy thị trường quốc tế, du lịch Việt cần liên tục làm mới sản phẩm, tập trung nghiên cứu kỹ từng thị trường, đặc biệt là những thị trường mới, những thị trường có lượng khách giảm để đáp ứng nhu cầu của du khách theo từng khu vực.
Đối với thị trường đông dân như Trung Quốc, một số doanh nghiệp nhận định rằng cần chia thành 2 phân khúc là bình dân và cao cấp. Ở nhóm khách hàng chi trả cao, các chuyến đi sẽ có chất lượng sang trọng, đẳng cấp hơn. Đặc biệt, du khách ở Bắc Á hiện rất yêu thích bộ môn thể thao golf nên có thể tích hợp hoạt động này trong các tour sắp tới. Trong khi đó, du khách bình dân có thể du lịch Việt Nam nhiều hơn thông qua đường bộ để cắt giảm chi phí phát sinh do di chuyển.
Nguồn: Giải pháp tăng cường thu hút du khách quốc tế