Giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn, là vùng sản xuất rau, hoa, cà phê lớn của cả nước. Với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh dẫn đến việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Lâm Đồng thường cao hơn so với các địa phương khác. Hàng năm, lượng rác thải trong sản xuất nông nghiệp phát thải ra môi trường tương đối lớn. Đặc biệt là rác thải nguy hại như vỏ chai, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp phát thải ra môi trường chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy trình chiếm tỷ lệ cao, gây ô nhiễm không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 300.000 ha đất canh tác nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất sản xuất cây hàng năm 122,3 nghìn ha (lúa 26,8 nghìn ha, ngô 8,3 nghìn ha, rau 70,05 nghìn ha, hoa 9,32 nghìn ha...); cây lâu năm 264,0 nghìn ha (174,1 nghìn ha cà phê; 12,1 nghìn ha chè; 26,2 nghìn ha điều; 24,5 nghìn ha cây ăn trái...). Trong những năm gần đây, nông nghiệp Lâm Đồng đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 40,1% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh dẫn đến việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Lâm Đồng cao hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có 2.465 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố cung ứng cho nông dân đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp có chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng cho biết, bên cạnh những hiệu quả mang lại của phát triển nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng thì rác thải trong sản xuất như phụ phẩm cây trồng, bao gói thuốc BVTV, phân bón, màng phủ…chưa được thu gom và xử lý triệt để. Theo thống kê, mỗi năm lượng bao gói thuốc BVTV trên toàn tỉnh ước tính lên đến 200 tấn. Để quản lý nguồn rác thải này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 3825/KH-UBND ngày 19/6/2017 để thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt được 3.165 bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn. Tuy nhiên lượng bao gói được thu gom mới đạt 18,1% (33,5 tấn), còn lại phần lớn vẫn được bà con tiêu hủy theo hình thức thu gom cùng rác thải gia đình để chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đến công tác thu gom rác thải nông nghiệp nhất là vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng. |
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng, đồng thời, cũng là tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, chất lượng sống của người nông dân. Sau 2 năm thực hiện Chương trình “Đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng”, nông dân TP Đà Lạt đã hình thành được ý thức thu gom các loại rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cần xử lý theo quy trình riêng như vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ bao phân bón... để tới cuối tháng đổi lấy các món quà phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như giày, bao tay, nón.
Không chỉ có Đà Lạt, những mô hình bảo vệ môi trường của người nông dân được phổ biến và triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Các mô hình phân loại- xử lý rác thải, thu gom bao bì thuốc BVTV, trồng cây xanh che bóng... được tổ chức từ cấp chi hội thôn cho tới xã, huyện. Những con đường hoa trải dài, khoe sắc rực rỡ đã không còn là chuyện hiếm với nông thôn. Đặc biệt, trong trồng trọt, càng ngày nông dân càng có ý thức trong việc canh tác an toàn, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ. Thay vào đó, nông dân Lâm Đồng đã áp dụng trồng cây đa tầng, để cỏ phủ đất, hạn chế độ xói mòn và giảm bốc hơi nước.
Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, với những việc làm thiết thực, hiệu quả như tham gia Mô hình “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, “Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác”, “Trồng và chăm sóc cây bóng mát đường quê”, “Thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc BVTV”, “Đổi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lấy quà tặng”, “Biến rác thành tiền”...
Tại huyện Đơn Dương, hoạt động sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất rau, hoa, chăn nuôi gia súc gây ra nguồn phát thải. Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã cấp kinh phí thực hiện lắp đặt 700 bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và 7 kho chứa tập trung tại 7 xã, thị trấn. Năm 2022, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện, UBND các xã, thị trấn tiến hành thu gom bao bì thuốc BVTV từ bể chứa về kho lưu chứa và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý 7,9 tấn.
Là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển trồng trọt, huyện Đơn Dương luôn chú trọng tuyên truyền, khuyến khích người dân không lạm dụng việc sử dụng các hóa chất BVTV, phân bón vô cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng, thu gom và xử lý thuốc và vỏ thuốc BVTV, xây dựng các bể chứa thu gom vỏ chai, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng, tránh tình trạng vứt bỏ bừa bãi tại các bờ ruộng, sông, suối, ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí...
Địa phương này hình thành các vùng chuyên canh rau quả từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch. |
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, để bảo vệ môi trường tại các vùng canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh người dân cần nâng cao ý thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Hạn chế và không lạm dụng việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng các sinh phẩm hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp có lợi cho sức khỏe con người. Đối với các cấp, các ngành
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, hộ nông dân trong việc sử dụng và thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Phát động nhân dân định kỳ làm vệ sinh các tuyến đường thôn xóm, kênh rạch. Trong đó, giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ… làm đầu mối để thực hiện.
Điều tra, đánh giá hiện trạng các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê về rác thải nông nghiệp nông thôn, rác thải nguy hại từ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để các cấp, các ngành có cơ sở quản lý, chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ các vùng canh tác và đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường.
Xây dựng các bể thu gom rác tại đầu bờ khu vực ruộng canh tác, tạo thuận lợi cho người dân thu gom và để đúng nơi quy định. Xây dựng các kho lưu chứa để thu gom, vận chuyển về kho lưu chứa theo từng khu vực địa bàn tỉnh nhằm quản lý chất thải rắn nguy hại như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải nguy hại vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy mô, công nghệ xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tình trạng rác thải ùn ứ lâu ngày gây ô nhiễm cho khu vực lân cận.
Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh sức ép lên môi trường từ việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt, thức ăn dư thừa trong chăn nuôi, xử lý rơm rạ sau thu hoạch…
Trong trồng trọt, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, thời gian bón, cách bón phân không khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất. Song song với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, lượng chất thải rắn từ hoạt động trồng trọt, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cũng đang tăng nhanh và khó kiểm soát. Mặc dù nhiều địa phương đã xây dựng bể chứa bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại đầu bờ ruộng, nhưng số lượng bể chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn lượng lớn bao bì thải bỏ ngay tại đồng ruộng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã bước đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường; đồng thời đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải nhựa trong nông nghiệp; xây dựng bộ dữ liệu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm quản lý thu gom phân loại chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chất thải nhựa tới các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và người dân…
Các chuyên gia môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và hoàn thiện các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường nông nghiệp, nông thôn ở những điểm nóng, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng thanh tra chuyên ngành môi trường trong đấu tranh phòng chống các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng; xây dựng, nhân rộng các giải pháp, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất…
Nguồn: Giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp