Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất phân bón
Giảm phát thải khí nhà kính với hệ thống điện mặt trời trên mái nhà Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng |
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, đối với ngành nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm 50% nếu không sử dụng phân bón. Tuy nhiên, khoảng 2,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến phân bón.
Hiện nay, năng lượng chiếm đầu vào đáng kể trong ngành sản xuất phân bón, do vậy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và chuyển đổi năng lượng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Vì vậy, để giảm phát thải trong khâu sản xuất, hiện các nhà sản xuất phân bón đã thực hiện nhiều biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo đó, tiêu thụ năng lượng của các nhà máy sản xuất ammonia đã giảm hơn 15% trong thập kỷ qua. Một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón xanh hơn, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất ammonia (quy trình Haber-Bosch) bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Một giải pháp khác chính là phát triển các dạng phân bón đặc biệt như phân bón phân giải, tan chậm, kiểm soát phân giải sẽ giúp tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường.
Áp dụng các giải pháp thay thế và nâng cấp máy móc nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất phân bón, góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động này. |
Thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp cho thấy việc áp dụng các giải pháp thay thế và nâng cấp máy móc nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã mang lại những kết quả rõ rệt. Cụ thể, việc thay thế hệ thống rửa đồng bằng hệ thống methal hóa đã tiết kiệm được 20% năng lượng; việc sử dụng nước tuần hoàn thay thế cho nước công nghiệp khu 678 giúp tiết kiệm 78% năng lượng; việc thay thế máy nén H2/N2 bằng máy nén tuần hoàn giúp tiết kiệm 33% năng lượng.
Một số đơn vị đã phát triển bộ giải pháp dinh dưỡng tổng hợp với các công nghệ cao như Bio-Coating, Humate, sinh học, phức hợp, phân bón nhả chậm (CRF và SRF), BioMix…để tạo ra các sản phẩm phân bón giúp sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, nâng cao năng suất và khả năng chống sâu bệnh cho cây trồng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. áp dụng công nghệ Bio-Coating để tạo ra các dòng sản phẩm đạm tiết kiệm (N.46 Plus), đạm kích kháng (N46. True), đạm sinh học (N.46 Rich), đạm vi sinh (Urea BiO) giúp nông dân bón ít phân đạm ure hơn từ 15 - 20%, vừa giảm phát thải khí nhà kính vừa tăng hiệu quả kinh tế.
Cùng với sản xuất, việc sử dụng phân bón đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách cũng là giải pháp giúp giảm khí phát thải hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thay thế phân bón tổng hợp bằng phân chuồng, phân trộn hoặc phân hủy có khả năng giảm lượng khí thải từ 10- 20% hoặc cao hơn. Ngoài ra, việc sử dụng phương pháp kiểu lượng tối thiểu (microdosing) cũng góp phần giảm lượng phân bón sử dụng, giảm khí phát thải nhà kính.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; trong đó đặt mục tiêu đưa diện tích sản xuất đất nông nghiệp hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; lượng phân bón hữu cơ chiếm trên 30% lượng sản xuất cung ứng trên thị trường, gấp hơn 2 lần so với năm 2020.
Với định hướng trên, việc phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón đa chức năng theo hướng hữu cơ, phân hữu cơ khoáng là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp xanh nhưng vẫn đảm bảo tăng năng suất và chất lượng sản phẩm
Theo chuyên gia, đối với hầu hết các cây trồng, cơ cấu sử dụng 70% lượng dinh dưỡng từ vô cơ và 30% dinh dưỡng từ hữu cơ là hợp lý bởi phân hữu cơ không cho tác động nhanh nhưng lại tăng hiệu quả sử dụng phân vô cơ, đồng thời giúp cải tạo đất... Tuy nhiên, do mỗi loại phân bón đều có tính hai mặt với môi trường và dinh dưỡng cây trồng nên việc sản xuất phân bón cần có sự điều tiết hợp lý.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón cần ứng dụng các công nghệ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hiện có, cũng như phát triển các dòng sản phẩm phân bón chậm tan, phân bón tan có kiểm soát hoặc đưa thêm các chủng vi sinh vào phân vô cơ để tăng hiệu quả. Đối với phân hữu cơ, việc khai thác tối đa theo hướng tuần hoàn các chất hữu cơ và dinh dưỡng từ phụ phẩm chăn nuôi và trồng trọt để sản xuất phân hữu cơ chính là giải pháp tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản.
Để hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải trong sản xuất phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện cam kết trung hòa carbon trên cơ sở có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để đầu tư lại, cấu trúc lại quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị.
Theo đó, với doanh nghiệp cam kết lộ trình đổi mới thiết bị và công nghệ, Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp khấu trừ chi phí đổi mới công nghệ thiết bị giảm phát thải vào chi phí sản xuất trước thuế Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị sửa Luật Thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; trong đó chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thành đối tượng chịu thuế với thuế suất 0% hoặc 5% để doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chiều sâu công nghệ, từ đó phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới có chất lượng tốt hơn.
Phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tăng hiệu quả kinh tế. |
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới và nhanh chóng đưa vào sản xuất nông nghiệp, việc khảo nghiệm phân bón cần có sự đổi mới. Theo quy định hiện hành, để được cấp Quyết định lưu hành cho một loại phân bón, sản xuất hay nhập khẩu, doanh nghiệp phân bón cần phải làm thủ tục khảo nghiệm phân bón, thời gian khoảng 1,5 năm đến 2 năm thậm chí 3 năm với chi phí không hề nhỏ. Vì vậy, việc khảo nghiệm phân bón đối với các sản phẩm phân bón thông dụng là không cần thiết nếu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh phân bón. Quy định khảo nghiệm chỉ áp dụng đối với một số loại phân bón thế hệ mới, chưa từng được nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp phân bón thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thông qua Hiệp hội phải có một kiến nghị với Chính phủ về vấn đề đồng hành để thực hiện cam kết về thực hiện phát thải ròng bằng không. Muốn làm được thì phải có cam kết tái đầu tư lại, cấu trúc lại quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị. Doanh nghiệp phải cam kết lộ trình đổi mới thiết bị và công nghệ thì Chính phủ sẽ cam kết hỗ trợ, tùy theo tỷ lệ khác nhau mà doanh nghiệp đề nghị. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón muốn làm được điều này thì phải đổi mới công nghệ, bắt buộc phải có đầu tư.
Bên cạnh đó, phải tăng cường sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Hiện nay nền nông nghiệp của nước ta còn còn tốn kém, lãng phí rất nhiều. Trong thời gian tới, cần phải khai thác phát triển nông nghiệp một cách tối đa theo hướng tuần hoàn các chất hữu cơ và dinh dưỡng từ phụ phẩm, trong đó có phụ phẩm chăn nuôi và trồng trọt...
Nguồn:Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất phân bón