Giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa - Bài 3: Thách thức và khuyến nghị
Những thách thức đặt ra
Trong báo cáo "Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Giám đốc thực hành phụ trách về nông nghiệp và thực phẩm của Ngân hàng Thế giới Dina Umali-Deininge đã chỉ ra một số thách thức khi chuyển đổi sang phương thức trồng lúa giảm phát thải như: Nông dân Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào việc sử dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp, sử dụng chưa hiệu quả tài nguyên đất và nước. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, thiếu năng lực kỹ thuật để quản lý rủi ro khí hậu và thời tiết cũng dẫn đến năng suất thấp, thu nhập thấp, không thích ứng với khí hậu và bền vững.
Cùng với đó, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giá trị gia tăng thấp. Doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều; liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm ngành hàng bước đầu đã hình thành, nhưng phần lớn mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ lẻ là điểm nghẽn cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệp phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, dẫn tới quá trình phát triển nông nghiệp xanh còn chậm.
Nhiều thách thức đặt ra khi chuyển đổi sang phương thức trồng lúa giảm phát thải (Ảnh: V.D.Hoàng) |
Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, việc chuyển sang nền sản xuất lúa gạo carbon thấp, giúp nông sản Việt Nam duy trì sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, khi người bán lẻ và tiêu dùng ở các nước nhập khẩu thực phẩm chính, đều yêu cầu tiêu chuẩn bền vững cao đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đưa ra nhận định, việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính trong tình hình hiện nay là vấn đề khó, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế. Đặc biệt, vấn đề xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữ vai trò quan trọng, đòi hỏi cần có sự tham gia, phối hợp của các bên. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistic, phát triển thương hiệu theo hướng “lúa sinh thái”, “lúa phát thải thấp”.
Đánh giá về những khó khăn khi thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải, TS. Vũ Duy Hoàng (Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: “Điều kiện sản xuất cũng là khó khăn khi triển khai. Thứ nhất, do diện tích canh tác của mỗi hộ nông dân ở Việt Nam còn nhỏ, thiếu tính liên kết. Thứ hai, việc canh tác áp dụng đồng bộ theo các biện pháp kỹ thuật như thời vụ gieo trồng, làm đất, bón phân, quản lý nước, thu hoạch và bảo quản, xử lý rơm rạ… đều yêu cầu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị. Thứ ba là vấn đề chi phí như chi phí đầu tư để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chi phí tập huấn, chi phí đo đạc, đánh giá mức giảm phát thải và xác nhận tín chỉ carbon, cũng cần sự quan tâm của nhà nước và sự hỗ trợ của các bên liên quan. Một trong những khó khăn nữa khi thực hiện đề án là việc khuyến khích tuần hoàn thu gom và chế biến tái sử dụng rơm rạ. Tuy nhiên, với một khối lượng rơm rạ lớn sau thu hoạch lúa, thời gian chuyển vụ ngắn, cần phải có những giải pháp để chế biến và tái sử dụng sao cho hiệu quả. Lượng rơm rạ mang ra khỏi đồng ruộng cũng cần tính toán để bổ sung cho đất, duy trì và cải thiện sức khỏe đất” - TS. Vũ Duy Hoàng nói.
Theo TS. Vũ Duy Hoàng (Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam), có một số khó khăn khi thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải |
Bên cạnh đó, TS. Vũ Duy Hoàng cũng chỉ ra một số rào cản trong vấn đề bán tín chỉ carbon. Điển hình như việc để bán được tín chỉ carbon, cần phải có đơn vị chứng nhận, đo đếm, kiểm kê. Người nông dân khó có thể thực hiện được, cần có những đơn vị, tổ chức tham gia vào quá trình này. Với diện tích mỗi nông hộ là nhỏ và số nông hộ đông, việc tạo sự đồng thuận để tổ chức sản xuất theo quy trình và việc phân bổ lợi nhuận từ tín chỉ carbon còn khó khăn, chưa có cơ chế cụ thể. Ví dụ, khi bán được tín chỉ carbon việc hoàn trả số tiền này cho người nông dân hay nên sử dụng để tái đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Cần sự chung tay vào cuộc
Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh. Theo các chuyên gia, để nông nghiệp hội nhập, Việt Nam cần có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững. Trong đó, nông nghiệp carbon thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 và COP 28 là "đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050".
Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp carbon thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 và COP 28 là "đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050" |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Chính phủ hướng tới khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL; xác định yêu cầu tiên quyết “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân; nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp. Trên cơ sở thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Là một nhà khoa học nghiên cứu về giống lúa hơn 50 năm, đóng góp cho Việt Nam khoảng 40 giống lúa, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, ông rất kỳ vọng và tin tưởng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao của Chính phủ sẽ thành công. “Tôi rất kỳ vọng vào đề án này bởi một số lý do sau: Thứ nhất là do chủ trương thống nhất từ Đảng và Chính phủ đến bộ chuyên ngành, đặc biệt, đề án nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng của đông đảo bà con nông dân ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Thứ hai là nhà nước cũng dành một phần vốn tín dụng để ứng cho nhân dân vay trước trả sau với ưu đãi lãi suất thấp nên người nông dân không sợ thiếu vốn để thực hiện đề án này. Thứ ba là việc thành lập một ban chỉ đạo chương trình thực hiện Đề án rất bài bản do đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng ban cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan. Tôi tin rằng với ba yếu tố đó, cùng sự đồng lòng, quyết tâm cao của Chính phủ và người dân, đề án sẽ thành công theo như kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra”. - GS.TSKH Trần Duy Quý nói.
GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, ông rất kỳ vọng và tin tưởng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao của Chính phủ sẽ thành công |
TS. Vũ Duy Hoàng cũng cho rằng, để đề án thành công, cần có sự chung tay vào cuộc của các bên. Thứ nhất, từ cấp trung ương đến các bộ, ban, ngành, các tỉnh, địa phương cần quyết liệt trong việc triển khai đề án để đảm bảo dự án thành công và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho người nông dân cũng vô cùng quan trọng. TS Vũ Duy Hoàng cũng nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện đề án sao cho có hiệu quả và bền vững. “Trong quá trình thực hiện triển khai chắc chắn không thể tránh được những khó khăn phát sinh nhưng chúng ta vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm và tìm giải pháp sao cho phù hợp nhất với điều kiện sản xuất, đáp ứng đúng yêu cầu và đạt được mục tiêu của đề án.” - TS. Vũ Duy Hoàng cho hay.
Trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của đề án, những người nông dân giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, theo các chuyên gia, người nông dân phải chủ động thay đổi nhận thức, thói quen canh tác để sản xuất theo hướng bền vững. Việc nhân rộng những mô hình điểm về sản xuất giảm phát thải carbon phải gắn với truyền thông để nông dân học tập và áp dụng.
Có thể nói, Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là một chủ trương vô cùng đúng đắn của Chính phủ nhằm tạo động lực mới cho phát triển ngành lúa gạo của Việt Nam bền vững và thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nhằm tái cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo trong giai đoạn hội nhập với thế giới, khi mà sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, mỗi địa phương cần chuẩn bị thật kỹ càng với sự quyết tâm, chung tay, đồng lòng để đề án có thể được thực hiện thành công, vừa đảm bảo được các mục tiêu về môi trường lại vừa tăng được thu nhập của các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là thu nhập của người nông dân trồng lúa.
Nguồn: Giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa - Bài 3: Thách thức và khuyến nghị