Gỡ vướng để HTX tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Trước yêu cầu của thị trường, HTX rau an toàn Thanh Hà (Vĩnh Phúc) đã chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên diện tích 8ha nhằm bảo đảm rau xuất ra thị trường không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn, rau sạch ở mức độ cao của người tiêu dùng.
Còn nhiều lực cản
Tuy nhiên, theo ông Nhâm Đức Cải, Giám đốc HTX, nếu không được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ thì việc chuyển đổi và duy trì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại HTX cũng ít nhiều gặp khó khăn vì chi phí cao, khó tìm kiếm để có chủng loại phù hợp.
Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình đã giảm từ 3,81 kg/ha (năm 2020) xuống còn 3,19 kg/ha (năm 2022). Trong đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã tăng từ 16,67% (2021) lên 18,49%. Điều này cho thấy ý thức sản xuất an toàn, bền vững thông qua sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học của người dân, thành viên HTX đã được nâng lên.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp dù tăng nhưng vẫn còn chậm. Tình trạng này là do giá thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn cao, hiệu quả tiêu diệt dịch bệnh còn chậm hơn thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thời gian bảo quản cũng thấp hơn.
Ông Nguyễn Thành Luận, Giám đốc HTX Xuân Thành (Trà Vinh) cho biết, đối với những loại rau ăn lá thường có chu kỳ thu hoạch gối lứa nên người trồng nếu không có ý thức cao thì rất khó tuân thủ thời gian cách ly. Nhưng thực tế, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng cho những loại rau này tại HTX còn thấp một phần vì các đối tượng sâu hại trên rau ăn quả thường rất khó phòng trừ, trong khi hiệu lực trừ sâu của các thuốc sinh học thường chậm hơn nên nông dân ít lựa chọn.
Bên cạnh đó, thực tế tại các cửa hàng đại lý thuốc bảo vệ thực vật cho thấy giá bán thuốc sinh học vẫn cao hơn thuốc hoá học trên dưới 2 lần. Đây là một vấn đề cản trở rất lớn tới việc xâm nhập thị trường của các thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Kinh doanh và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thông tin hiện chỉ mới có một số địa phương có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người dân, HTX sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên chưa tạo được sức bật trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong cả nước. Trong khi trong nước mới sản xuất được 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm là còn khiêm tốn, chưa bảo đảm phục vụ phát triển đa dạng các loại cây trồng hiện nay.
Đi liền với đó là tình trạng sử dụng, mua bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học còn tràn lan, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Người bán thuốc bảo vệ thực vật thiếu kinh nghiệm, kỹ năng. Trình độ chuyên môn của các đại lý thuốc bảo vệ thực vật còn yếu, chạy theo lợi nhuận cũng là nguyên nhân khiến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn chưa thực sự được rộng rãi.
Gỡ khó trong sử dụng
Để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, sử dụng thuốc bảo vệ sinh học là điều quan trọng. Bởi theo TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) hiện nay không chỉ người tiêu dùng trong nước yêu cầu cao về chất lượng nông sản mà nhiều thị trường trên thế giới có yêu cầu chặt chẽ về mã số vùng trồng. Muốn đáp ứng được điều này thì vai trò của các HTX là hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện các yêu cầu về mã số vùng trồng, trong đó có đảm bảo các tiêu chuẩn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Chẳng hạn như thị trường EU, mặt hàng rau phải có mã số vùng trồng để hạn chế thuốc bảo vệ thực vật hóa học… Người trồng cũng phải tuân thủ các quy định hiện nay ở trong nước và các thị trường xuất khẩu, ngoài ra phải tuân thủ các quy định kiểm dịch thực vật (xử lý nước nóng, xử lý lạnh, xông hơi). Muốn đạt các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật thì phải đáp ứng được các yêu cầu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Tuy nhiên, theo các HTX, hiện chỉ có một số ít HTX được kết nối với các tổ chức, dự án, đoàn thể hoặc có người đứng đầu có trình độ cao mới có thể thuận lợi trong việc áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất một cách phù hợp và hiệu quả. Còn lại, đa số người dân, thành viên HTX đều cho rằng do chưa có một quy trình hay hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên việc sử dụng trong thực tiễn chưa được thuận lợi, người dân cũng chưa tự tin trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, mua bán thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong ngành nông nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Thành Luận, có thể 2 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhưng có cùng một hoạt chất nhưng các đại lý bán thuốc lại khuyến cáo người dân sử dụng chung cho nhiều đối tượng cây trồng, gây khó khăn cho nông dân, thành viên HTX khi lựa chọn, sử dụng thuốc và cũng khó khăn trong việc xác định thời điểm phun, mức độ phát sinh của dịch hại sau khi sử dụng...
Bên cạnh đó, người dân có trình độ hạn chế nhưng tên các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng rất khó nhớ, thậm chí gần giống với tên của thuốc bảo vệ thực vật hoá học, gây khó khăn cho người dân chọn và dùng thuốc phục vụ sản xuất.
Có thể thấy, để tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 50% vào năm 2030, rất cần sự đồng hành của cơ quản quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp sản xuất thuốc để có một giải pháp tổng thể mới mang lại hiệu quả.
GS TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, cho rằng hiện nay các viện, trường đã vào cuộc nghiên cứu các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhưng khâu đăng ký các loại thuốc này còn khó khăn, thủ tục phức tạp nên hầu hết các đề tài nghiên cứu về thuốc bảo vệ sinh học vẫn chưa đi vào thực tiễn.
Cùng với đó là các địa phương vẫn chưa thực sự mạnh mẽ trong việc ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, HTX sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong việc thay đổi ý thức người dân.
“Việc mua bán thuốc bảo vệ thực vật hóa học còn diễn ra tràn lan, mua bán ngay cả trên mạng nên cần có chính sách kiểm soát, quản lý một cách phù hợp mới tạo môi trường thuận lợi cho thuốc sinh học phát triển”, GS TS Nguyễn Văn Tuất nói.
Một điều quan trọng chính là ý thức của người dân. Nhiều nông dân hiện nay vẫn cho rằng thuốc bảo vệ thực vật có thể giải quyết được mọi bệnh trên cây trồng. Điều này là chưa đúng. Riêng đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, người dùng cần có những hiểu biết không chỉ về thổ nhưỡng, dịch hại, thời tiết, mối quan hệ giữa dịch hại và chính những tác nhân sinh học đó…
Vì thế, để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, người dân, HTX cần kết hợp với các biện pháp canh tác phù hợp khác, áp dụng trong khoảng thời gian phù hợp và trên diện tích đủ lớn mới phát huy hiệu quả.
Nguồn: Gỡ vướng để HTX tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học