Hà Nam bảo đảm an toàn phòng chống lũ khi thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang xả đáy
UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành công văn chỉ đạo về việc bảo đảm an toàn phòng chống lũ trên địa bàn tỉnh trong thời gian hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang mở cửa xả đáy.
Mưa lớn kéo dài, thủy điện Hòa Bình tiếp tục xả đáy |
Theo đó, để bảo đảm an toàn về người, tài sản đồng thời chủ động phòng ngừa, ứng phó những tình huống có thể xảy ra khi hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang xả lũ, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam và Bắc Nam Hà; Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ thực hiện ngay một số nội dung sau:
Tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền địa phương, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trên bãi sông; các tổ chức, đơn vị thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác cát, sỏi nắm bắt thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn về người, tài sản, thực hiện theo đúng quy định.
Tăng cường kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, các công trình trên đê, đặc biệt là các cống dưới đê bị ảnh hưởng trực tiếp khi mực nước trên hệ thống sông dâng cao khi xả lũ hồ Hòa Bình, Tuyên Quang.
Theo dõi thường xuyên chặt chẽ, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả lũ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy lợi - Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam).
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện theo nội dung chỉ đạo trong công văn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 18/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục hứng mưa dông, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 17/7 đến 3h ngày 18/7 cục bộ có nơi trên 70mm như: Nghĩa Hưng (Nam Định) 155.8mm; tp. Tam Điệp (Ninh Bình) 79.8mm; Trung An (Thái Bình) 87.2mm; Hà Sơn (Thanh Hóa) 127.8mm; Cửa Lò (Nghệ An) 70.2mm,… Tại Hà Nội, thời tiết vẫn tương đối dễ chịu khi nền nhiệt chỉ tăng nhẹ, trời nhiều mây và có lúc mưa rào kèm dông. Tình trạng này kéo dài đến hết tuần.
Các hộ nuôi cá lồng ở Hà Nam gia cố chắc chắn cho lồng bè, tránh bị trôi, lật khi có lũ, bão lớn |
Đề cập đến việc đảm bảo an toàn cho gần 600 lồng nuôi cá trên sông của toàn tỉnh, ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam) cho biết người dân đã chủ động các biện pháp phòng chống ngay khi bước vào mùa mưa, bão.
“Toàn tỉnh hiện có tổng số 560 lồng nuôi cá của các hộ và nhóm hộ, tập trung tại các xã: Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); Phú Phúc, Trần Hưng Đạo (Lý Nhân). Để bảo đảm an toàn cho hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng, ngay từ khi chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, người dân đã chủ động các biện pháp phòng, chống. Các hộ đều đầu tư gia cố chắc chắn cho lồng bè, tránh bị trôi, lật khi có lũ, bão lớn; Gia tăng gấp 2 lần lượng dây chão níu lồng bè và hàn các cây sắt vào mạn lồng bè cố định với bờ sông.
Về phía chính quyền các địa phương có hệ thống lồng bè nuôi cá trên sông Hồng cũng quan tâm đến công tác phòng chống lũ, bão. Ví như, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) đã đưa việc bảo vệ sản xuất của người dân trên sông Hồng vào phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã để chủ động ứng phó, hỗ trợ người dân. Tại xã Phú Phúc, nơi có trên 220 lồng nuôi cá trên sông Hồng, chính quyền thường xuyên tiến hành kiểm tra sản xuất để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sát thực tế. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người dân đầu tư gia cố, chằng chống, bảo đảm an toàn cho lồng bè nuôi cá. Xã cũng bố trí lực lượng xung kích tại địa phương sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người dân di dời tài sản trên sông đến nơi an toàn khi có tình huống xấu về thiên tai xảy ra.
Nuôi cá lồng trên sông Hồng đóng góp mỗi năm khoảng trên 1.000 tấn cá vào sản lượng thủy sản chung của tỉnh. Do điều kiện thuận lợi về nguồn nước, các loại cá được lựa chọn nuôi đều có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá ngạnh, cá diêu hồng, cá chép lai, rô phi đơn tính… Giá trị của mỗi lồng cá bình quân lên đến hàng chục triệu đồng. Vì thế, các hộ dân cũng như các địa phương luôn chủ động phòng, chống nhằm bảo đảm an toàn sản xuất, nhất là trong mùa mưa, bão.
Nguồn: Hà Nam bảo đảm an toàn phòng chống lũ khi thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang xả đáy