Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, ô nhiễm không khí cao nhất
Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí sáng nay Dự báo thời tiết ngày 4/3: Miền Bắc tăng nhiệt mạnh |
Sáng 5/3, người dân Hà Nội bước xuống đường với bầu không khí mù mịt, tầm nhìn hạn chế và gây không ít khó khăn cho việc lưu thông. Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí), chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội tại các địa điểm trung bình từ 152 đến 260. Đây là mức ô nhiễm không khí rất không tốt cho sức khỏe người dân.
IQAir xếp Hà Nội là thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào sáng nay. Cụ thể lúc 7h sáng nay, AQI lên tới 239 sau đó giảm xuống còn 229 vào lúc 9h sáng. Không chỉ vậy, Hà Nội còn là thành phố duy nhất có chỉ số chất lượng không khí ở mức màu tím - rất xấu (rất không tốt cho sức khỏe) trong số 10 thành phố.
Chất gây ô nhiễm chủ yếu ở Hà Nội chủ yếu là bụi mịn PM2.5, hiện cao gấp 35.4 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. IQAir khuyến cáo người dân tránh tập thể dục ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài và chạy máy lọc không khí.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, sương mù đang xuất hiện nhiều nơi ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Sương mù sẽ còn xuất hiện trong ngày 6-7/3 sau đó kết thúc khi có đợt không khí lạnh mới xuất hiện.
Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 200 - 300) như sau:
Đối với người bình thường: tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Khuyến khích các hoạt động trong nhà; tránh các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn.
Nếu phải tham gia giao thông, nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm: tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Mỗi năm toàn cầu có tới 7 triệu ca tử vong vì ô nhiễm không khí
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 7 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, bụi PM2.5 là chất ô nhiễm không khí có tác động nguy hại tới sức khỏe cộng đồng đã được chỉ ra trong rất nhiều nghiên cứu. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng Sức khỏe, cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khí có nồng độ bụi PM 2.5 cao hơn 10 µg/m3 (mức khuyến cáo năm 2004 và mức lộ trình II theo khuyến cáo năm 2021 của WHO).
Trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) và có xu hướng tăng.
Thống kê 5 năm gần đây cho thấy, bụi PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc không khí tự động của thành phố Hà Nội đều vượt trị số cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ 1,1 - 2,2 lần. Cùng với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là một trong 2 địa phương có chất lượng không khí kém nhất nước. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra ra tử vong cho hơn 1.300 người ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm. Theo giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO, nồng độ PM2.5 trung bình tại Việt Nam năm 2021 cao gấp 4,9 lần. Xếp hạng 36 trên toàn cầu về ô nhiễm không khí.
Nguồn: Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, ô nhiễm không khí cao nhất thế giới