Hà Nội: Quy định các trường hợp đủ điều kiện nhận bồi thường bằng đất
Theo đó, Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 26 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, các trường hợp đủ điều kiện nhận bồi thường bằng đất như sau
Một là, trường hợp hộ gia đình nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống trên một thửa đất ở thu hồi mà đủ điều kiện tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc nhiều hộ gia đình chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi, thì mỗi hộ gia đình được giao một suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương và không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi (đã bao gồm diện tích đất được bồi thường theo quy định tại Điều 7 quy định này).
Hai là, trường hợp mỗi hộ được giao một suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tối thiểu tại địa phương vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi, phần diện tích đất tái định cư vượt diện tích đất ở bị thu hồi phải tính tiền sử dụng đất theo giá đất khi giao đất tái định cư nhân hệ số điều chỉnh K theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 7 quy định này. Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/5/2022.
Giai đoạn 2016 – 2021, Hà Nội đã thực hiện tái định cư cho 6.887 hộ |
Được biết, giai đoạn 2016 - 2021, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã thu hồi đất, giải phóng mặt bằng liên quan đến 148.407 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thực hiện tái định cư cho 6.887 hộ, gồm 2.562 hộ tái định cư bằng đất, 1.345 hộ tự lo tái định cư bằng tiền, 2.980 hộ tái định cư bằng nhà chung cư.
Về giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp đã giao cho 40.513 hộ gia đình (tăng 18.102 hộ so với giai đoạn 2006 - 2015) với diện tích 403,39ha, đạt 80,42%...
Để thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất cho người dân bị thu hồi, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 08/20216-NQ/TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số 09/2016-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Để triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU, UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế TP Hà Nội nghiên cứu, đề xuất cơ chế về việc các quận, huyện, thị xã... được trích lại một phần tiền sử dụng đất thu từ đấu giá quyền sử dụng đất; cơ chế tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư (dự án không sử dụng vốn ngân sách) ứng trước để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng…
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, UBND Thành phố giao Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách cho Sở Tài nguyên và Môi trường bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kịp thời, đúng quy định...
Nguồn: Hà Nội: Quy định các trường hợp đủ điều kiện nhận bồi thường bằng đất