Hà Nội thí điểm cho thuê xe đạp công cộng từ 20/1
Hà Nội sẽ bắn pháo hoa mừng Tết nguyên đán Quý Mão 2023 ở những điểm nào? Giá nước sạch Hà Nội sẽ tăng trong năm 2023 |
Ngày 8/1, ông Đỗ Bá Quân, đại diện Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, doanh nghiệp thực hiện dự án phát triển xe đạp công cộng ở Hà Nội, cho biết ngày 9/1 đơn vị bắt đầu thi công trạm xe đạp công cộng đầu tiên tại Hà Nội. Địa điểm ở số 12 Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình.
6 quận trung tâm được chọn triển khai loại hình xe đạp công cộng giai đoạn 1, bao gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.
Loại xe đạp công cộng sẽ được nhà đầu tư triển khai tại Hà Nội. |
Hiện có hai quận bàn giao mặt bằng để lắp trạm, trong đó quận Ba Đình 23 điểm và quận Hoàn Kiếm 11 điểm. Sau khi lắp đặt, ngày 12/1 xe đạp phục vụ dự án với khóa thông minh sẽ được đưa tới các điểm. Đến 20/1, mỗi điểm sẽ được bố trí khoảng 10 xe cho khách hàng trải nghiệm. Việc thử nghiệm kéo dài hai tuần.
"Chúng tôi muốn triển khai một số trạm trước để người dân chạy thử trong dịp Tết cho không khí", ông Quân nói.
Đề án “Xe đạp đô thị” được nhà đầu tư xây dựng và Sở GTVT trình UBND thành phố Hà Nội từ đầu năm 2021. Sau các lần chỉnh sửa, bổ sung hiện kế hoạch triển khai xe đạp đô thị trên địa bàn Hà Nội làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm). Ở giai đoạn này đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là khoảng 30 tỷ đồng. Để triển khai dự án, Sở GTVT và đơn vị thực hiện đã khảo sát được 85 vị trí để bố trí xe đạp công cộng để phục vụ người dân. Các vị trí này nằm ở 6 quận trung tâm, bao gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Ngoài ra đơn vị cũng đang khảo sát, bố trí thêm các điểm phục vụ xe đạp công cộng ở dọc tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Giá vé sau thời gian hoạt động thử nghiệm được nhà đầu tư đưa ra cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ (tự đạp) và 10.000 đồng đối với xe đạp điện; với người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Đơn vị vận hành cũng bán vé theo tháng, quý và năm; hệ thống thanh toán ưu tiên thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Giai đoạn 2, dự án thực hiện mở rộng vùng phục vụ: tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Ở giai đoạn này đơn vị thực hiện tiếp tục phối hợp với Sở GTVT, các quận có liên quan khảo sát, bố trí thêm 350 địa điểm phục vụ xe đạp công cộng mới. Tổng số lượng xe đạp công cộng cần mua sắm giai đoạn này là khoảng 3.000 xe.
Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn là hơn 130 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên toàn bộ số kinh phí này nhà đầu tư sẽ bỏ ra. Sau khi triển khai xong các giai đoạn đầu tư, việc hoàn vốn dự án thông qua thu phí cho thuê xe đạp. Thành phố Hà Nội chỉ bố trí các điểm dừng đỗ, không gian để xe đạp điện hoạt động, không phải chi ngân sách.
Nguồn:Hà Nội thí điểm cho thuê xe đạp công cộng từ 20/1