Hà Nội triển khai quyết liệt các giải pháp chặn gia tăng ô nhiễm
Theo đó, sáng 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội. Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng, gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024, chiếm 10,5% tổng số vốn của cả nước được Quốc hội quyết nghị phân bổ. Xác định đầu tư công là động lực quan trọng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, ngay từ đầu năm, UBND TP. Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy kế hoạch giải ngân đầu tư công.
UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo phân luồng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư công; phân luồng "làn xanh", yêu cầu xử lý trong vòng 24 giờ đối với 10 dự án quan trọng (cải tạo không gian khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm và cải tạo Quảng trường Đông Kinh-Nghĩa Thục; cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu; cầu Trần Hưng Đạo; cầu Ngọc Hồi; cải tạo, nâng cấp mở rộng các tuyến đường xung quanh hồ Tây; cải tạo, chỉnh trang, bổ cập nước sông Tô Lịch; Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công nghệ cao Sinh học; đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao-Hòa Lạc). Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công của toàn thành phố tính đến ngày 24/3 là hơn 5.052 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch.
![]() |
Ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm không khí đang là những 'vấn nạn' ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. |
Về chất lượng môi trường không khí, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, Hà Nội đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhưng lại kéo theo các hệ lụy về sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đặc biệt, chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng. Tùy từng thời điểm, mức độ các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 chiếm tỉ lệ khác nhau, trong đó cao nhất là nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) khoảng 58-74%, tiếp đó là nguồn công nghiệp từ 14-23%, nguồn nông nghiệp từ 3,4-18,9%, nguồn dân sinh và đốt rác có mức đóng góp...
Do đó, các biện pháp cảnh báo cộng đồng và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng để bảo vệ sức khỏe người dân là cần thiết và ưu tiên trước mắt. Thành phố đã rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý môi trường không khí; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí; tập trung giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế…
Về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quý I/2025, toàn Thành phố xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm 117 người chết, 199 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 81 vụ, tăng 1 người chết, giảm 115 người bị thương. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời điểm lễ, Tết, khung giờ cao điểm tại các tuyến trục chính, vành đai ra vào nội đô khi nhu cầu đi lại tăng đột biến và lượng phương tiện quá tải so với kết cấu hạ tầng. Hiện, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo triển khai quyết liệt 8 nhóm giải pháp chính sách, cơ bản lâu dài và 6 nhóm giải pháp cấp bách trước mắt. quý I/2025, thành phố đã xử lý được 3/37 điểm ùn tắc giao thông.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ đăng ký thực hiện mô hình "Thành phố an toàn giao thông" và tích cực thúc đẩy, kết hợp với các chương trình, đề án về giao thông thông minh, đô thị thông minh, phát triển giao thông công cộng xanh. Là địa phương trọng điểm về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, Hà Nội đã triển khai một số dự án cụ thể như làm sạch sông Tô Lịch; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, tham khảo kinh nghiệm các nước; và mong muốn nhận được sự tham gia, hợp tác chặt chẽ của các địa phương trong vùng Thủ đô.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các giải pháp tổng thể, bài bản để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, các dòng sông nhằm giải quyết căn cơ vấn đề chăm lo sức khoẻ cho người dân, chỉnh trang đô thị góp phần đưa Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp, đáng sống hơn. Hà Nội đã đề xuất dự án xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng mục tiêu phải là tất cả các dòng sông trên địa bàn phải được phục hồi.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với TP. Hà Nội, các địa phương vùng Thủ đô xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án giải quyết ô nhiễm không khí vùng Thủ đô, kế hoạch cụ thể, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ chế, chính sách kèm theo. Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để xác định, nắm rất rõ nguồn gây ô nhiễm, tỷ lệ, thời điểm ô nhiễm nặng, và có giải pháp, cơ chế để xử lý dứt điểm như: Di dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông…/.
Nguồn: Hà Nội triển khai quyết liệt các giải pháp chặn gia tăng ô nhiễm
Có thể bạn quan tâm
Tin mới nhất
Khám phá "báu vật" hơn 1.000 năm tuổi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 31/3: Khu công nghiệp 2.000 tỷ đồng ở Thái Bình sắp đi vào hoạt động

Quảng Ninh: Tạo điểm nhấn du lịch cho Di sản

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 31/3/2025: Tuổi Tuất sự nghiệp phát triển, tuổi Thìn chịu áp lực

Nhận định phiên giao dịch ngày 31/3: VN Index có thể tiếp tục dao động trong biên độ 1.280-1.350 điểm
