Hà Tĩnh: Loạt công trình nước sạch nông thôn chậm tiến độ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn từ 2022 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh quyết định đầu tư, xây dựng 17 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng kinh phí hơn 473 tỉ đồng nhưng đến nay nhiều dự án chậm tiến độ.
Về tiến độ, đến nay mới có 6 dự án đã triển khai thi công, 7 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi; 3 dự án đang trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường; 1 dự án đang trình thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi; 3 dự án đã thẩm định phê duyệt đề cương khảo sát thiết kế, đang tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Hàng loạt dự án "dậm chân tại chỗ"
Cụ thể, tháng 10-2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án đầu tư công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt Khe Xai tại huyện Thạch Hà với quy mô dự án 44 tỉ đồng. Công trình này có công suất thiết kế 6.000 m3/ngày đêm, quy mô dự án lắp đặt 1.495 cụm đồng hồ đến từng hộ dân, thời gian thực hiện dự án năm 2020-2022.
Mục tiêu của dự án là xây dựng mới hệ thống cấp nước Nhà máy nước Khe Xai để đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục và đạt chất lượng cho người dân các xã phía Tây Nam huyện Thạch Hà. Từ đó, góp phần thực hiện tiêu chí nước sạch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã chậm tiến độ và được UBND tỉnh Hà Tĩnh gia hạn 3 lần; lần 1 đến ngày 31-12-2022, lần 2 đến ngày 30-9-2023 và lần 3 đến ngày 30-6-2024.
Tỉnh Hà Tĩnh quyết định đầu tư, xây dựng 17 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng kinh phí hơn 473 tỉ đồng nhưng đến nay nhiều dự án chậm tiến độ |
Hay tại dự án nước sạch cho một số xã thuộc huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) được kỳ vọng là sẽ cung cấp nước sạch cho người dân 6 xã gồm: Thuần Thiện, Tùng Lộc (huyện Can Lộc), Ích Hậu, Hồng Lộc, Phù Lưu và Bình Lộc cũ (nay là xã Bình An) thuộc huyện Lộc Hà. Thế nhưng, đến nay sau hơn 4 năm, dự án đang nằm trong tình trạng ngổn ngang, dang dở, dậm chân tại chỗ.
Tương tự, dự án công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt ngày 2/10/2020, với tổng mức đầu tư 48,99 tỷ đồng, do UBND xã Mỹ Lộc làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện đến năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Được biết, đến thời điểm này không những chậm tiến độ mà còn nhiều lần điều chỉnh, thay đổi thiết kế dẫn đến đội vốn thi công. Trong đó, có phát sinh việc điều chỉnh trạm bơm đặt trong lòng hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu theo thiết kế ban đầu từ nhà trạm bơm sang trạm bơm nổi; điều chỉnh bổ sung một số hạng mục tại nhà xử lý…
Dự án nhà máy nước Hương Khê với tổng mức đầu từ là 229,465 tỷ đồng vẫn ngổn ngang chưa đi vào hoạt động. |
Không chỉ ở huyện Can Lộc, mà tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), dự án nhà máy nước và hệ thống cấp nước sạch cho người dân thị trấn Hương Khê và 8 xã vùng phụ cận đến nay cũng đang chậm tiến độ. Dự án được phê duyệt ngày 09/5/2016, với tổng mức đầu tư là 229,465 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu xây lắp là Liên danh Khánh Môn - Hà Huy, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tấn Đạt là đơn vị thầu phụ của Công ty CP Hà Huy.
Theo tiến độ, dự án được khởi công vào ngày 23/2/2020, dự kiến hoàn thành và được đưa vào sử dụng sau 30 tháng thi công. Tuy nhiên do chậm tiến độ nên được UBND tỉnh Hà Tĩnh gia hạn 2 lần; lần 1 đến ngày 31-12-2022 và lần 2 đến ngày 30-9-2023.
Vì sao hàng loạt dự án chậm tiến độ
Việc chậm tiến độ của các dự án nước sạch nông thôn hiện nay được cho là do nguyên nhân khách quan vì vướng nhiều thủ tục liên quan đến quy hoạch, rồi điều chỉnh quy mô...
Sở NNPTNT Hà Tĩnh cũng cho rằng, quá trình tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chung của huyện, điều chỉnh quy mô dự án.
Ngoài ra, địa bàn thực hiện trải dài trên nhiều địa phương khác nhau, phát sinh một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; các địa phương (cấp huyện, cấp xã) chậm bố trí nguồn vốn đối ứng theo quy định làm ảnh hưởng đến công tác phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dẫn đến tiến độ.
Tỉ lệ người dân Hà Tĩnh được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ mới đạt 26,79% |
Tính đến hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với công suất thiết kế 25.480 m3/ngày đêm, công suất khai thác thực tế 19.669 m3/ngày đêm (đạt 77,19%); 14 hệ thống đấu nối với công trình cấp nước sạch đô thị; hiệu suất hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn phổ biến đạt từ 56-91,3%.
Với quy mô và công suất của các dự án cấp nước như hiện nay, tỉ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt quy chuẩn là 64,10%, tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ mới đạt 26,79%.
Thực trạng hàng loạt các công trình nước sạch ì ạch ở Hà Tĩnh đã đặt ra nhiều vấn đề về công tác chọn nhà thầu của chủ đầu tư, năng lực nhà thầy sau khi trúng thầu khi liên tục chậm tiến độ, đội vốn đầu tư, thi công... Do vậy, cần có sự rà soát, đánh giá rõ trách nhiệm của các bên và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản số 2423 ngày 16.5.2023 về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình cấp nước được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025”.
Nguồn: Hà Tĩnh: Loạt công trình nước sạch nông thôn chậm tiến độ