Hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường
Khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên, kiên quyết, kiên trì không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần* Lan tỏa thông điệp BVMT vì một tương lai xanh |
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V với chủ đề “Hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững". Hội nghị Môi trường toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần với mục tiêu đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường và thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp cho các năm tiếp theo.
Năm 2022 là thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây cũng là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã chuyển bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Trong những năm qua công tác môi trường đã dần được cải thiện với việc sử dụng công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải, tái chế chất thải |
Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện; các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải; nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội như vấn đề rác thải nhựa, bảo vệ môi trường nơi sinh sống,… ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, nhất là tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra.
Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp... Đây là những thách thức không nhỏ đối với nước ta hiện nay.
Tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề bảo vệ môi trường đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.
Trong đó, các chiến lược trên đã đề nhiều ra mục tiêu cần phải đạt được từ nay cho đến năm 2025 như bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đạt 2,7 triệu ha;…
Các chiến lược đề ra đều hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hài hòa với lợi ích môi trường |
Để đạt được các mục tiêu nêu trên cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu bảo vệ môi trường trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay, trái phiếu chính phủ, ... để xây dựng, triển khai Chương trình/dự án về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay.
Để phát triển đất nước theo hướng bền vững hài hòa trong công tác bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, trong giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo, ngành môi trường cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp;
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và sự cố môi trường; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý về bảo vệ môi trường, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành môi trường tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng, yếu tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin, viễn thám và các công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát, quan trắc và cảnh báo về môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường; chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường. Đặc biệt, ngành môi trường cần đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, tăng cường áp dụng các cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Chuyển dịch năng lượng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0 được nhấn mạnh tại hội nghị |
Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định để đạt được mục tiêu của Việt Nam về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bà Caitlin Wiesen cho rằng, cần ưu tiên 6 hành động được đúc rút từ các bài học kinh nghiệm trên thế giới, nhằm thúc đẩy sứ mệnh mới cho một cuộc "Đổi mới xanh".
Cụ thể, Việt Nam cần tăng cường luật pháp về khí hậu để hướng dẫn và thực thi các hành động khí hậu trong nước, hướng tới các mục tiêu quốc gia về phát thải bằng 0. Thực hiện các cam kết về Chuyển dịch năng lượng công bằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng, bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương.
Việt Nam cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên dụng để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất cả các nguồn đầu tư và phát triển. Cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn có tính hệ thống và gắn kết hơn để hỗ trợ phát triển kinh tế ít phát thải carbon hơn và chống chịu với khí hậu; phát triển dựa vào thiên nhiên là con đường bền vững của Việt Nam. Cuối cùng, Việt Nam cần phấn đấu để chuyển đổi bao trùm, đặt "con người" và công bằng xã hội vào trung tâm của mọi chính sách.
Nguồn: Hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường