Hải Phòng đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão
Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai theo 04 tài liệu hướng dẫn, bao gồm: Hướng dẫn nhà an toàn phòng, chống bão lũ; Hướng dẫn phân loại nhà an toàn; Khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; Quy trình kiểm định các công trình ăng ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời, xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn để lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân. Qua đó, cảnh báo và chủ động di dời người dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng bởi bão mạnh, siêu bão, các khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ sạt lở đất, các khu vực thoát lũ.
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản trong mùa mưa bão. |
Các cơ quan, đơn vị rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa lớn. Kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; Kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; Đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.
Bên cạnh đó, yêu cầu người dân, chủ sở hữu thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão. Đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao… phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường. Các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, cơ quan chức năng phải có đánh giá, cảnh báo cho người dân.
Đối với công trình đang thi công xây dựng, các cơ quan chức năng phải lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão. Đối với các công trình kết cấu dạng tháp - trụ đặt tại các vị trí xung yếu, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác bảo trì. Đối với các cột điện ly tâm bê tông cốt thép, yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng và gia cường, giằng chống đối với các trường hợp không đảm bảo chất lượng, bị nghiêng... để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được thành phố đẩy mạnh triển khai là bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão. Hải Phòng là địa phương có hệ thống đê điều lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, với 416,9 km; cùng với đó là 91,7 km kè và 386 cống dưới đê. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đến đầu tháng 5/2024, trên địa bàn thành phố hiện có 5,83 km đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao (chiếm 1,4%) và 59,8 km đê kém ổn định, chưa bảo đảm an toàn (chiếm 14,3%). Nguyên nhân do nhiều đoạn đê trước đây được đắp trên nền sình lầy, đất yếu, thân đê được đắp bằng loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu, một số đoạn đê dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa, bão lớn; trong thân đê ẩn chứa nhiều tổ mối, hang chuột... đe dọa an toàn của đê.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được thành phố đẩy mạnh triển khai là bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Ảnh: T.U |
Theo dự báo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ cuối tháng 6/2024, có khoảng 11-13 cơn trên biển Đông, trong đó có khả năng 5-7 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền. Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trước ảnh hưởng của thiên tai, cần đẩy nhanh việc xử lý, khắc phục các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê.
Chi cục thủy lợi và Phòng, chống thiên tai thành phố cho biết, Chi cục tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn hệ thống đê để xác định các vị trí xung yếu. Từ đó, xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ đoạn đê trọng điểm, xung yếu và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” theo phương án được duyệt. 14 phương án bảo vệ trọng điểm cấp huyện tại 37 vị trí được xây dựng sát hợp với tình hình thiên tai, thực tế địa phương, đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, lực lượng làm công tác hộ đê phối hợp chính quyền địa phương tổ chức phát quang mái, chân đê và thanh thải các bãi tập kết rác thải trong phạm vi bảo vệ đê điều. Cùng với đó là chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, từng phương án trọng điểm và có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân trường hợp có sự cố xảy ra.
Nguồn:Hải Phòng đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão