Hành động vì đa dạng sinh học
Những thông điệp được lan tỏa đó là: Chúng ta hãy cùng hành động để hướng đến tương lai, làm thay đổi thế giới thông qua việc dọn dẹp một khu vực xung quanh bạn; Tham gia các dự án khôi phục hệ sinh thái; Tôn trọng các loài động vật khi tham quan; Giúp đỡ các loài động vật; Ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh zoonotic từ động vật; Tham gia các dự án trồng cây xanh; Tiêu dùng có trách nhiệm, hạn chế tối đa phát sinh chất thải sinh hoạt, tích cực sử dụng vật dụng tái chế; Tiết kiệm năng lượng, tắt đèn và các thiết bị điện khi không sử dụng đến; Chia sẻ, quyên góp cho các tổ chức từ thiện những vật dụng không sử dụng đến; Mua bán, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, kêu gọi không hút thuốc lá; Kêu gọi các nhà máy, cơ sở sản xuất không xả chất thải hoá học ra môi trường; Xây dựng không gian sống xanh; Thay đổi một thói quen tiêu cực đối thói quen sử dụng nhựa dùng một lần; Yêu cầu doanh nghiệp tìm nguồn có trách nhiệm; Giảm thiểu chất thải; Tìm hiểu về an toàn sinh học; Hỗ trợ, ửng hộ các công ty sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; Hỗ trợ các tổ chức môi trường hoạt động; Nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; Kêu gọi mọi người cùng hành động; Kỷ niệm Ngày Đa dạng sinh học.
Tại Việt Nam để bảo vệ Đa dạng sinh học, chúng ta đã xây dựng và tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được chính phủ phê duyệt như: Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam (2013-2020); Chương trình quốc gia bảo vệ hổ (2014 – 2022); Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Nam, Thanh Hoá…
Với một hệ thống văn bản, chính sách tương đối đầy đủ, thời gian qua, hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực danh hiệu quốc tế được củng cố và mở rộng, nâng tổng số khu bảo tồn lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha; 3 hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị đã được thành lập với tổng diện tích 521.878,28 ha. Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái đã được chú trọng phục hồi.
Việc bảo vệ các loài hoang dã và giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm cũng đạt được một số kết quả tích cực: nhiều quần thể loài quý, hiếm đã được phát hiện trong tự nhiên; phục hồi và phát triển các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; một số loài có giá trị kinh tế đã được nghiên cứu, gây nuôi phát triển thành sản phẩm thương mại như sâm ngọc linh, cá anh vũ, cá hô…
Số lượng nguồn gen được thu thập, lưu giữ, đánh giá tính trạng di truyền, bảo tồn và phát triển thành sản phẩm thương mại tăng 3,12 lần so với thời kỳ đầu; cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích đã được thiết lập phù hợp với Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, cần có tầm nhìn và bước đi chiến lược phù hợp. Việt Nam phải tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới lợi ích từ ĐDSH, dịch vụ hệ sinh thái làm thế nào để được chia sẻ công bằng và hợp lý có sự tham gia của cộng đồng; Cơ chế nào để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, để công tác quản lý bảo tồn và phát triển ĐDSH dựa vào cộng đồng; làm thế nào để công tác giữ gìn, phục hồi và phát triển ĐDSH được triển khai như một hành động thích nghi với biến đổi khí hậu…
Nguồn: Hành động vì đa dạng sinh học