Hapro liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nói không với vay nợ qua kênh trái phiếu
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro - mã: HTM), đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn BRG là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành lấy xuất khẩu làm mũi nhọn đã và đang khẳng định thương hiệu mạnh tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, sau khi tiến hành cổ phần hóa và trở thành thành viên Tập đoàn BRG, Hapro tiếp tục khẳng định thương hiệu và phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại dịch vụ lớn của Thủ đô Hà Nội.
Trong 2 năm đại dịch, Hapro đã chủ động triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn như: mở rộng thị trường, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nâng cao lợi nhuận xuất khẩu đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn vốn.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại qua hình thức giao thương trực tuyến với đối tác trong nước và ngoài nước để thúc đẩy kinh doanh.
Đặc biệt, hệ thống bán lẻ nội địa mang thương hiệu BRGMart và Haprofood/BRGMart phát triển mạnh mẽ với mạng lưới rộng lớn, trải dài trên khắp cả nước, đảm bảo cung cấp sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.
Có thể thấy, quy mô sản xuất kinh doanh tại Hapro liên tục được nhân rộng. Vậy tình hình nợ vay tại doanh nghiệp này đang ra sao?
Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tại Hapro ghi nhận hơn gần 3.050 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 954 tỷ đồng; hàng tồn kho hơn 53 tỷ đồng, tài sản cố định gần 572 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn gần 228 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn hơn 754 tỷ đồng; tài sản dài hạn khác hơn 298 tỷ đồng;...
Vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp này tính đến 31/3/2022 ghi nhận gần 2.270 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả tại Hapro tính đến 31/3/2022 ghi nhận hơn 780 tỷ đồng, chỉ chiếm 26% tổng tài sản. Trong đó, nợ vay tại Hapro ở mức 533 tỷ đồng, chỉ chiếm 68% nợ phải trả và 17% tổng tài sản.
Đáng nói, Hapro nói không với vay nợ qua kênh trái phiếu. Doanh nghiệp này sử dụng đòn bẩy nợ khá thấp so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Do đó, chi phí lãi vay của Hapro trong 3 tháng đầu năm 2022 chỉ dừng lại ở mức hơn 11 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2021.
Với quy mô tổng tài sản gần 3.050 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 2.270 tỷ đồng, trong khi nợ vay tài chính chỉ hơn 533 tỷ đồng. Con số này cho thấy tình hình tài chính tại Hapro vẫn đang lành mạnh.
Một điểm bán hàn của Hapro. |
Trong năm 2022, Hapro lên kế hoạch tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thương mại nội địa. Đồng thời tăng cường và thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nâng hiệu quả lợi nhuận xuất khẩu và đảm bảo tuyệt đôi an toàn nguồn vốn.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt gần 30 tỷ đồng; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 821,7 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 17,22 triệu USD.
Nguồn: Hapro liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nói không với vay nợ qua kênh trái phiếu