Hậu Giang cảnh sắc hữu tình...
Hậu Giang: Hương bánh quê nhà đã lan tỏa... Hậu Giang: Đất khóm tình người |
“Hậu Giang cảnh sắc hữu tình, Mênh mang sông nước, quê mình thân thương”
Một vị khách đi trên tàu du lịch Xà No bất ngờ ứng khẩu thành thơ và chia sẻ đây là cảm nhận rất thật, rất cảm xúc khi đặt chân đến Hậu Giang. Đây không chỉ là cảm nhận của mỗi vị khách này. Du lịch Hậu Giang dù vẫn đang tìm tòi và định hình phát triển nhưng không thể phủ nhận nơi đây có nhiều cảnh rất đẹp, thu hút. Du lịch đang được kể một cách tròn vẹn, đầy đặn hơn thông qua các sản phẩm cụ thể.
Hậu Giang phát huy thế mạnh sông nước để xây dựng sản phẩm du lịch. Ảnh: TRUNG QUÂN |
Những câu chuyện về vùng đất này đang được kể bằng sản phẩm du lịch
“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy nhưng cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào...”, câu vọng cổ xuống xề ngọt lịm làm khán giả vỗ tay rần rần.
Đây là khung cảnh chương trình nghệ thuật với hình thức hoạt cảnh “Tình anh bán chiếu” lần đầu tiên được tỉnh tổ chức tại Công viên Chiến Thắng, trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Du lịch với Văn hóa và Ẩm thực tỉnh. Tái hiện câu chuyện tình của anh bán chiếu ở miệt Cà Mau lênh đênh trên dòng sông Ngã Bảy, rồi gặp ý trung nhân nhưng cuộc tình không trọn vẹn... Bài ca cổ là sự tưởng tượng, cảm xúc của soạn giả Viễn Châu khi có dịp ngắm nhìn dòng sông này và muốn kể một câu chuyện tình yêu qua lăng kính nghệ thuật. Bài hát đi vào lòng người bao thế hệ, nay được dàn dựng thực cảnh cuốn hút, nhẹ nhàng... đang rất được kỳ vọng là sản phẩm du lịch mới, rất vừa vặn thời gian để du khách có một trải nghiệm về đêm khi đến với thành phố Vị Thanh.
Hậu Giang đang chọn kể cho du khách những câu chuyện rất riêng từ sản vật, tình đất, tình người, mang đến sự trải nghiệm thú vị. Đây là cách làm du lịch hiện đại, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Năm qua, tỉnh nhà đã kể thành công từ câu chuyện chiếc áo bà ba truyền thống, nâng lên thành lễ hội làm nên một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, chỉ có ở nơi đây. “Con đường lúa gạo Việt Nam” với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” cũng được kể theo cách rất riêng, tái hiện hành trình phát triển, quá trình canh tác lúa từ thời sơ khai đến hiện đại. Du khách có dịp về Hậu Giang những ngày cuối năm vẫn chưa thôi ngắm nhìn. “Con đường lúa gạo Việt Nam” cũng đã được tỉnh chọn xây dựng thành con đường du lịch.
Những người làm du lịch Hậu Giang đã chọn được cách để những câu chuyện sẵn có, đặc sắc từ vùng đất giàu tiềm năng, gắn với nét văn hóa từ tên đất, tên sông. Khi Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy, Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai, hạ tầng du lịch dần được đầu tư hoàn thiện, những câu chuyện kể sẽ đầy đặn hơn.
Trải nghiệm vùng khóm Cầu Đúc mang đến nhiều thú vị. Ảnh: TRUNG QUÂN |
Nhiều điểm đến độc đáo
Ngay thành phố trung tâm tỉnh lỵ, điều làm du khách ấn tượng chính là Chợ nông thôn Vị Thanh, nhiều người hay gọi là “Chợ chồm hổm” lớn nhất Việt Nam. Chợ chỉ nhóm vào buổi sáng, bán tất cả các mặt hàng nông sản để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Giá rẻ là đặc điểm nổi bật của chợ này, nên thu hút rất đông người dân địa phương và vùng lân cận. Nơi đây còn làm say lòng khách phương xa với cảnh buôn bán rất đỗi bình dị của những người nông dân. Rau, củ, cá vẫn còn bán bó, mớ, bởi bà con kiếm được từ vườn nhà nên thêm ít đỉnh cũng không sao. Có người chỉ có mớ rau nhưng vẫn ra chợ ngồi như một thói quen, tạo thành nét văn hóa rất riêng khó hòa lẫn.
Không chỉ có “Chợ chồm hổm”, thành phố này còn có vùng khóm Cầu Đúc trứ danh với những rẫy khóm bạt ngàn. Người dân vùng khóm bắt đầu làm du lịch, chịu khó học hỏi từ cách làm du lịch cộng đồng, học cách chế biến và sáng tạo từ sản vật quê hương, để có những món ăn ngon thếch đãi du khách: Củ hủ khóm xào tép, làm dưa, làm nhưn bánh xèo, mứt khóm, rượu khóm làm quà cho khách phương xa... Hậu Giang cũng đã đầu tư tàu du lịch Xà No phục vụ du trải nghiệm trên kênh xáng Xà No, đoạn ngang trung tâm thành phố Vị Thanh, để ngắm cảnh nơi đây về đêm.
Rời Vị Thanh về hướng Cần Thơ, sẽ đi ngang qua Châu Thành A. Dừng chân nơi đây, du khách sẽ thích thú với những vườn cây ăn trái trĩu quả. Ghé lại Trang trại sữa dê Ngọc Đào ở xã Tân Hòa, trải nghiệm quy trình lấy sữa dê và thưởng thức những món ngon từ sữa, như sữa tươi, sữa chua... Ghé homestay Mương Đình ở xã Nhơn Nghĩa A, để thỏa sức tận hưởng không gian xanh mát của khu vườn rộng.
Thích trải nghiệm miệt vườn sông nước, ngược về Ngã Bảy, du khách sẽ khám phá những điều thú vị với câu chuyện bên dòng sông bảy ngã. Người dân ở hai bên bờ sông đã dần xây dựng những sản phẩm du lịch, như vườn dâu Thiên Ân, homestay Miệt Vườn, vườn chôm chôm Chín Liễu...
Mỗi nơi trên vùng đất này đều có những nét riêng níu chân du khách, những khu vườn cây ăn trái đặc sản như quýt đường Long Trị ở thị xã Long Mỹ, vườn trầu trăm năm tuổi ở huyện Vị Thủy, vườn măng cụt trăm tuổi ở Châu Thành A, những khu sinh thái gần gũi thiên nhiên, những cánh rừng bạt ngàn, hoang sơ ở Phụng Hiệp... Hậu Giang còn sở hữu hệ thống “Điểm đến đỏ” là các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, sẽ là nơi thích hợp cho những ai muốn tìm những dấu tích xưa để hiểu được truyền thống địa phương.
Được đưa vào “Nghị quyết 4 trụ cột”, những quyết sách của tỉnh trong thời gian qua đã giúp du lịch tháo gỡ dần những thế khó, định hình sản phẩm du lịch mới để tạo đà, mở hướng phát triển. Tất cả đều cùng mục tiêu từng bước đưa Hậu Giang trở lại có tên trên bản đồ du lịch nước nhà.
Nguồn: Hậu Giang cảnh sắc hữu tình...