Hậu Giang: Chìa khóa tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh luôn đồng hành cùng người nông dân. |
Bài 1: Làm nông thời 4.0
Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp đang là xu thế chung của các nước trên thế giới. Hướng đi này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn tiến tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Áp dụng công nghệ tối đa
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn nhà dù đang ở bất cứ đâu. Đây chính là “trái ngọt” đầu tiên kể từ khi lão nông này quyết định đưa công nghệ mới vào trồng dưa lưới.
Theo ông Trưng, kể từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ tưới của Israel, lượng nước tưới giảm hẳn, sâu bệnh cũng ít hẳn, giảm được sức lao động của nhà nông. Tiếng lành đồn xa, giờ gần 20 hộ xã viên HTX dưa lưới Thuận Phát với diện tích khoảng 4ha của ông Trưng cũng đã bắt đầu nắm bắt sự thay đổi.
Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc HTX dưa lưới Thuận Phát cho biết, các hộ trồng xoay vòng nên bình quân từ 7-10 ngày cung cấp ra thị trường 7-8 tấn. Theo ông Trưng, nếu hộ nào chăm sóc kỹ, doanh thu 1.000m2 sẽ đạt gần 200 triệu đồng/năm.
“Bà con ngày càng nắm bắt khoa học kỹ thuật tiến bộ, dù lý thuyết không giỏi, nhưng khi được chia sẻ bằng thực tế thì tiếp cận mau lắm, không có gì là khó khăn”, ông Trưng chia sẻ.
Những mô hình canh tác theo kỹ thuật mới như HTX dưa lưới Thuận Phát không phải là chuyện hiếm tại Hậu Giang những năm gần đây. Từ những ngày đầu lạ lẫm với xây dựng mã số vùng trồng, nay nông dân tỉnh nhà đã thành thạo ghi chép nhật ký sản xuất, chuyển đổi sử dụng phân, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học để tạo ra nông sản sạch đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Thành công đó một phần nhờ nỗ lực của các cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh. Không quản nắng mưa, không ngại xa gần, các cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Ngoài ra, đơn vị còn cùng bà con xây dựng mô hình “Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh ĐBSCL” và dự án “Xây dựng vườn mẫu cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu tại một số tỉnh ĐBSCL” giúp người dân chuyển đổi nhận thức trong canh tác.
Đáng chú ý, mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai và được sự đón nhận của bà con. Tính chung từ năm 2021 đến nay, máy bay phun thuốc trong mô hình của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang đã phun dịch vụ trên 2.000ha. Không dừng lại ở thuê máy bay, người dân tự đầu tư nhân rộng mô hình, nâng tổng số máy bay phun thuốc trên địa bàn hiện có 37 chiếc.
Ông Nguyễn Thanh Vững, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Lập, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Dùng máy bay không người lái phun thuốc, làm lúa nhẹ công, mà hiệu quả lại cao. Rải phân, thu hoạch đều bằng máy hết, nông dân không làm bằng tay nhiều như trước”.
Sản xuất “sạch”
“Nông dân nào chịu tìm tòi, học hỏi là mới có thành công” là chia sẻ đầy phấn khởi của ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, khi dẫn phóng viên tham quan vườn sầu riêng của mình. 35 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng, trong đó 15 năm trồng xuất khẩu, hơn ai hết, ông Sáu hiểu rõ, yêu cầu thị trường ngày càng cao, nông dân phải mạnh dạn thay đổi, sản xuất sạch, an toàn mới được thị trường đón nhận lâu dài.
Cái hay của lão nông này là không chỉ áp dụng phân hữu cơ vào vườn nhà, phun thuốc bằng máy bay mà ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bà con có nhu cầu. “Ở đây, chúng tôi đang học lớp VietGAP chuyển qua trồng sầu riêng hữu cơ sạch. Tôi xài phân hữu cơ nhiều, thành ra cây sống bền, cơm sầu riêng rất đạt. Nếu anh em nào vô VietGAP thì được xuất khẩu hết. Có mã số vùng trồng, có nguồn gốc, mã số, nếu có gì sai người đó sẽ chịu trách nhiệm”, ông Lê Văn Sáu cho biết.
Không chỉ trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng giúp nông dân Hậu Giang làm giàu. Tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, chị Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, ở huyện Phụng Hiệp, đã đầu tư khoảng 20 tỉ đồng làm nông nghiệp tuần hoàn. Trang trại của chị có diện tích khoảng 1ha được tận dụng tối đa. Nơi đây có nhiều loại từ nấm rơm, trùn quế đến trồng cỏ, rau sạch, gia súc, gia cầm và thủy sản. Sản phẩm khâu này là đầu vào của khâu khác, tất cả tạo thành vòng tuần hoàn, khép kín, hợp lý và khoa học.
Chị Lữ Thị Nhật Hằng chia sẻ: “Mô hình khép kín như vầy giảm được phần nhân công, mình dùng những thiết bị thay thế. Bà con hay nói câu là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì bây giờ tôi đã cải thiện được một phần vất vả đó”.
Có thể thấy, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Phụng Hiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực nông nghiệp theo định hướng 4 trụ cột của tỉnh. Ở đó, nông dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn sinh học, hữu cơ để tạo ra nông sản chất lượng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: “Phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, bằng kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Huyện Phụng Hiệp tiềm năng rất lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, chính quyền địa phương sẽ làm sao tổ chức nhanh nhanh, nhân rộng các mô hình hiệu quả để Phụng Hiệp có nhiều hộ khá, giàu trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân thấy được việc áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào nông nghiệp giảm được chi phí rất lớn, nâng tầm giá trị, tiêu thụ rất dễ dàng do sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, xa hơn nữa là hữu cơ…
Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, hướng tới sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tuân thủ các quy định mang tính toàn cầu. Xây dựng nhiều mô hình liên kết chuỗi gắn với bao tiêu và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), sử dụng các phần mềm quản lý hệ thống tưới, quản lý đồng ruộng kết nối với các thiết bị thông minh. Ứng dụng ánh sáng nhân tạo (đèn LED, đèn huỳnh quang...) trong trồng trọt để ươm tạo cây giống sạch bệnh, sản xuất loại cây có giá trị cao… |
Nguồn: Chìa khóa tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản
Bài 2: Truy xuất nguồn gốc, “vé thông hành” cho nông sản Việt