Hậu Giang: Đa dạng cách làm để bảo vệ môi trường
Kết hợp trồng hoa sao nhái trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân tiết kiệm chi phí phun thuốc trừ sâu rầy. |
Ông Trần Hoài Nhân, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho biết: Thời gian qua, để góp phần bảo vệ môi trường, trong sản xuất nông nghiệp huyện luôn chú trọng hướng người sản xuất hiệu quả kết hợp với bảo vệ với môi trường. Trong đó thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như mô hình công nghệ sinh thái được triển khai nhiều vụ ở xã Xà Phiên, trồng hoa sinh thái ở tuyến đường về Vịnh Chèo. Các mô hình này đã áp dụng theo hướng 3 giảm, 3 tăng và 1 phải, 5 giảm, trong đó trồng hoa sao nhái dẫn dụ thiên địch kép sinh bắt mồi sâu rầy. Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng nhằm hạn chế thuốc bảo vệ thực vật nguy hại tồn dư trên đồng ruộng.
Điển hình trong vụ Đông xuân năm 2022-2023, mô hình sạ định vị như cấy, toàn huyện thực hiện được 24 mô hình với diện tích 13,1ha. Kết quả, lượng giống gieo sạ trung bình 44,5kg/ha, giảm 65kg giống/ha so với các ruộng đối chứng. Giảm 3 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật/vụ và giảm 53kg phân bón/ha, giảm chi phí sản xuất trên 4,8 triệu đồng/ha và tăng lợi nhuận 5,8 triệu đồng so với ruộng đối chứng.
Còn đối với mô hình công nghệ sinh thái thực hiện 2 mô hình với diện tích 148,7ha, trong đó 1 mô hình tại thị trấn Vĩnh Viễn có quy mô 98,7ha và 1 mô hình ở xã Xà Phiên quy mô 50ha. Trung bình chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận trên 32,2 triệu đồng/ha, cao hơn các ruộng ngoài mô hình 2,8 triệu đồng/ha.
Ông Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, cho biết: Để gắn kết phát triển mô hình kinh tế hiệu quả đi đôi với bảo vệ môi trường, vừa qua huyện đã hỗ trợ chi phí 50% giá trị con tôm giống để người dân nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, đồng thời kết hợp với trồng hoa sinh thái đã mang hiệu quả cho người dân. Những mô hình này hiện tại đang tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Thích, Hợp tác xã HTX Tân Long, huyện Vị Thủy, cho biết: “Trước đây, HTX được dự án của Đức hỗ trợ thực hiện trồng hoa sinh thái dẫn dụ thiên địch kết hợp với vùng sản xuất của HTX. Đầu tiên HTX thực hiện thí điểm trên diện tích 1ha. Hiệu quả của mô hình là giảm lượng thuốc, đặc biệt là thay đổi thói quen của người nông dân là lúa không bệnh vẫn xịt thuốc để ngừa. Từ khi thấy được lợi ích của mô hình, hiện tại HTX đang nhân rộng ra 25 hộ, với diện tích 40ha. Bên cạnh nhân rộng mô hình trồng hoa sinh thái trên toàn bộ diện tích trồng lúa của HTX, tới đây còn đưa số hóa vào sản xuất nông nghiệp”.
Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là việc làm mà hiện nay ngành nông nghiệp huyện đang tập trung định hướng người dân thực hiện trên diện rộng. Trong phương hướng tới, tập trung sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương như GAP, an toàn, hữu cơ, đảm bảo đến năm 2025 toàn huyện đạt từ 25% diện tích trở lên. Nâng diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 đến 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Để đạt mục tiêu này, huyện thực hiện giải pháp là xây dựng những mô hình điểm, sau đó đánh giá và nhân rộng những mô hình có hiệu quả, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng tỷ lệ giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt từ 20% trở lên. Theo đó, đối với cây lúa sẽ tăng cường ứng dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ, bón phân, theo dõi sâu rầy bằng thiết bị thông minh. Đối với rau, màu sẽ tập trung sản xuất trong nhà lưới kết hợp tưới tự động. Đối với cây ăn trái, sử dụng tưới tự động thông minh; sản xuất nấm trong nhà ứng dụng công nghệ tự động...
Nguồn: Đa dạng cách làm để bảo vệ môi trường