Hậu Giang: Đẩy mạnh đưa công nghệ vào sản xuất
Nhờ có hệ thống phun tưới mà diện tích trồng cây ăn trái của gia đình ông Trần Văn Hồng, ở ấp 4, xã Thạnh Hòa được phát triển tốt. |
Huyện Phụng Hiệp hiện có diện tích trồng cây ăn trái là 11.602ha, trong đó cây có múi là 5.277ha, xoài 802ha, nhãn 167ha, mít 945ha, mãng cầu 275ha, cây sầu riêng 507ha, cây khóm 124ha, còn lại 3.505ha là cây ăn trái khác. Hiện đã cấp 9 chứng nhận VietGAP với diện tích 305,1ha, sản lượng 5.799 tấn/năm, chủ yếu là sầu riêng, vú sữa hoàng kim, mít, chanh không hạt, bưởi da xanh, lúa. Đồng thời, đã cấp 4 chứng nhận GlobalGAP với diện tích 82,7ha, sản lượng 4.410 tấn/năm, các loại như khóm, mãng cầu xiêm, dưa lưới...
Trên địa bàn huyện thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, có 2 đơn vị được cấp cụ thể là vùng trồng sầu riêng Sáu Bờ Tân Thành với diện tích 16,2ha, ở xã Tân Bình và vùng trồng sầu riêng Chín Em Ba, diện tích15,4 ha, ở xã Long Thạnh. Bên cạnh đó, hiện đã có 21 mã số vùng trồng xuất sang Trung Quốc và EU với diện tích 335,22ha, sản lượng 7.365,3 tấn là nhãn Ido, mít, chanh, lúa, dưa hấu, xoài, sương sáo, sầu riêng.
Trong thời gian qua, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với cây ăn trái nói riêng, các cấp, các ngành trong huyện luôn tuyên truyền người dân nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết thời gian qua huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gia tăng tỷ trọng cũng như giá trị sản xuất nông nghiệp, củng cố và nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, tập trung chuyển đổi mạnh mẽ diện tích mía, cải tạo vườn tạp, luân canh, xen canh sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đã đạt được những kết quả tích cực như các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp đều đạt và vượt, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng cao.
Song song đó, tập trung thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị trên các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao gắn với du lịch. Xây dựng các mô hình nông nghiệp nhằm tạo nền tảng để phát triển du lịch nông nghiệp. Người nông dân được trang bị khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, áp dụng sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng sinh thái góp phần bảo vệ môi trường, gắn kết du lịch nông nghiệp vùng nông thôn.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phát triển mạnh các mô hình thích ứng với biển đổi khí hậu đang được ngành nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện, vì hiệu quả mang lại cho người dân rất nhiều. Cụ thể là việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ trong sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người dân như mô hình sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch lúa…
Theo Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp, trong năm 2023 toàn huyện thực hiện hỗ trợ phân hữu cơ và hệ thống phun tưới thông minh trên diện tích 8ha. Từ nguồn hỗ trợ này đã giúp người dân sản xuất giảm chi phí và cho cây ăn trái phát triển tốt.
Một trong những hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hệ thống tưới và phân hữu cơ, ông Hàng Văn Thắng, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi cho hay: “Trước đây, trên diện tích 1ha trồng cây ăn trái, gia đình tôi thường tưới bằng máy. Năm 2023, gia đình được huyện hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hệ thống phun tưới tự động, tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới trên diện tích 1ha trồng sầu riêng của gia đình. Tổng chi phí đầu tư 68 triệu đồng, tôi được hỗ trợ 50% là 34 triệu đồng. Từ khi có hệ thống tưới tự động, tôi chủ động được việc phun tưới mà không cần đến vườn, từ đó việc mua bán hàng hóa ở chợ cũng thuận lợi hơn. So sánh giữa tưới phun tự động và bơm tưới như trước đây thì tôi thấy tưới phun độ ẩm của đất tốt và cho cây xanh tốt hơn, còn nói về chi phí thì giảm đáng kể. Trước đây, bình quân nguyên liệu và thuê mướn người tưới, mỗi tháng khoảng 4,5 triệu đồng. Bây giờ mỗi tháng tôi chỉ đóng tiền điện gần 100.000 đồng, không tốn nhân công. Tôi thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rất nhiều”.
Theo ông Trần Văn Hồng, ở ấp 4, xã Thạnh Hòa, được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ hệ thống phun tưới không chỉ giúp gia đình giảm chi phí đầu tư, còn giúp ông rất nhiều trong việc chủ động tưới, đặc biệt là trong những lúc thời tiết nắng nóng, giúp cây duy trì độ ẩm, tăng trưởng tốt. Hiện vườn cây măng cụt và sầu riêng của gia đình đang tươi tốt.
Còn ông Trương Văn Vĩnh, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, cho rằng từ khi có hệ thống tưới tự động, giúp gia đình tiết kiệm thời gian, nhân công lao động, chi phí sản xuất rất nhiều. Điều quan trọng hơn là giúp ông chủ động trong việc tưới tiêu mỗi khi thời tiết thay đổi.
Để tiếp tục cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Trong quý II này, ngành tiếp tục theo dõi thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2023-2024; triển khai hướng dẫn nông dân xuống giống lúa Hè thu năm 2024 đúng thời điểm theo thông báo của ngành chuyên môn. Chăm sóc rau màu, mía và cây ăn trái. Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân; tổ chức và hướng dẫn nông dân thăm đồng theo dõi diễn biến tình hình dịch hại trên vườn cây ăn trái, lúa. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Phối hợp các ngành tỉnh tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Tiếp tục theo dõi tình hình bao tiêu nông sản trên địa bàn huyện…
Nguồn: Đẩy mạnh đưa công nghệ vào sản xuất