Hậu Giang: Đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu Ngã Bảy không còn xa
Thành phố Ngã Bảy phát triển đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Nhiều triển vọng
Dưới góc độ chủ đầu tư dự án phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy, ông Nguyễn Văn Cà Lơ Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, cho biết: Ban quản lý dự án đã lập các thủ tục đề xuất dự án trình các Bộ, ngành Trung ương thẩm định và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 15-4-2022.
Dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ. Thời gian thực hiện dự kiến 4 năm. Tổng vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn dự kiến trên 1.211 tỉ đồng. Trong đó vốn vay từ cơ quan phát triển Pháp (AFD) hơn 780 tỉ đồng, vốn ODA không hoàn lại hơn 40 tỉ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương tương đương 390 tỉ đồng. Quy mô dự án gồm 4 hợp phần.
Hợp phần A là giảm thiểu rủi ro ngập úng, xây dựng hệ thống thoát nước mưa: Khoảng 20km đường ống, 22 cửa xả và xây dựng bờ kè, xây dựng khoảng 1,1km bờ kè kênh Xẻo Vông, xây dựng khoảng 1,7km bờ kè kênh Cái Côn, xây dựng khoảng 0,2km bờ kè kênh Sóc Trăng.
Hợp phần B là cải thiện quản lý nước thải và vệ sinh môi trường: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải khoảng 13km, cống thoát nước thải và dự kiến là 6 trạm bơm nước thải. Xử lý nước thải và quản lý phân bùn, xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải 3.800m3/ngày đêm; quản lý phân bùn.
Hợp phần C là cải tạo nâng cấp đô thị và phát triển không gian công cộng: Cải tạo, nâng cấp hồ điều hòa (hồ Xáng Thổi); nạo vét và kè khoảng 0,5km bờ hồ và xây dựng 2 cống kiểm soát cùng với tạo cảnh quan quanh hồ Xáng Thổi. Trang bị các tiện ích công cộng kết nối khu vực hồ với công viên, khu vui chơi giải trí.
Hợp phần D là nâng cao năng lực cho cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố Ngã Bảy nhằm khai thác, sử dụng dự án hiệu quả, bền vững; mua sắm trang thiết bị quan trắc, cảnh báo và dự báo rủi ro thiên tai, phần mềm quản lý đất đai.
Ông Erik Klaassen, Trưởng nhóm tư vấn cho biết, với việc đánh giá rủi ro lũ lụt, nhóm tư vấn đã có những phương án cụ thể để thích ứng với tình hình hiện tại của tỉnh nói chung và thành phố Ngã Bảy nói riêng với một số khuyến nghị như: Tăng cao trình bờ kè lên thêm từ 20-30cm và lấy cao trình chung ở mức 2,4m, sẽ nâng cao trong tương lai nếu cần thiết; xây dựng lộ trình hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê/kè đảm bảo ứng phó với nước biển dâng đến năm 2050; cân nhắc việc tăng kích thước đường ống thoát nước những đoạn 600mm lên 800mm khi điều kiện cho phép; xây dựng kế hoạch cụ thể trong phát triển các giải pháp hạ tầng xanh (tăng 50ha diện tích mặt thấm và 15ha diện tích mặt nước, cần thêm hồ điều hòa)…
Ông Frederic Audras, Trưởng Ban Đô thị AFD Paris cho biết, đây là dự án lớn và phù hợp với những mục tiêu đã đề ra, do đó cần sự hợp tác, hỗ trợ toàn diện của UBND tỉnh Hậu Giang và các sở, ngành có liên quan để triển khai dự án theo cam kết. Nếu những bước khởi đầu thuận lợi, dự án sẽ được triển khai trong năm 2023.
Đô thị đáng sống
Ông Diệp Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy cho biết, dự án AFD được UBND tỉnh giao cho Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, với góc độ thành phố Ngã Bảy là đơn vị thụ hưởng, thành phố sẽ phối hợp tích cực với đơn vị tư vấn AFD và Ban quản lý dự án. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, cũng như các xã, phường sẽ tham gia hỗ trợ tích cực đối với đơn vị tư vấn và chủ đầu tư.
“Hiện thành phố cũng có kế hoạch nâng chất các tiêu chuẩn của thành phố. Mong muốn đề án sớm triển khai, thực hiện để góp phần cải thiện môi trường, cũng như vấn đề chống ngập úng, sạt lở… Qua đó, thu hút được các nhà đầu tư đến đầu tư, mở rộng không gian đô thị, thương mại, du lịch”, ông Diệp Minh Tuấn cho biết thêm.
Tại buổi làm việc với đoàn AFD về nội dung các hợp phần của dự án mới đây, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, về nâng đường kính hệ thống ống thoát nước mưa, đề nghị nghiên cứu, không nhất thiết nâng hết mà theo điều kiện, đặc điểm vị trí để bố trí công trình phù hợp và đảm bảo theo quy hoạch của thành phố.
Về việc xây dựng hạ tầng xanh phải kết hợp, vừa thiết kế thích ứng biến đổi khí hậu vừa đảm bảo sinh thái, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường, nhưng phải xét đến từng vị trí cụ thể để thiết kế, đầu tư cho phù hợp. Những vị trí kè chống sạt lở, xói mòn sử dụng kè cứng, những vị trí nào không mang tính tác động từ bên ngoài hoặc yếu tố khác tác động vào thì sử dụng kè mềm kết hợp với sinh thái. Ngoài ra, tùy theo vị trí và đặc điểm thiết kế, hạ tầng xanh cho phù hợp.
Về cao độ xây dựng bờ kè, thống nhất phương án lấy cao độ bờ kè theo cao độ quy hoạch tại vùng thực hiện dự án. Riêng về giải pháp thiết kế phải mang tính bền vững, đúng quy định và các tiêu chuẩn kỹ thuật để dự án được bền vững, lâu dài cũng như đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan, sinh thái cũng như sau này kết hợp thu hút du lịch…
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa có khả năng chống chịu thích ứng, để đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hỗ trợ phát triển đô thị xanh thành phố Ngã Bảy, ngăn ngừa ô nhiễm đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững của khu vực và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố. |
Nguồn: Đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu Ngã Bảy không còn xa