Hậu Giang: Hành động thiết thực vì môi trường
Ngành chức năng phối hợp cùng các địa phương tổ chức thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, trong năm qua, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đạt được kết quả này đó là nhờ sự đồng lòng chung sức của các cấp, các ngành và người dân trong thực hiện bảo vệ môi trường.
Đặc biệt trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường nguồn lực cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Rà soát, củng cố, thành lập mới tổ vệ sinh môi trường và triển khai thực hiện Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho tổ vệ sinh môi trường. Song song đó, UBND huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, củng cố, thành lập mới và triển khai hoạt động tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực tại địa phương. Nhờ đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được đảm bảo, hạn chế tối đa tình trạng vứt bừa bãi như trước đây.
Ông Bùi Thiện Nghệ, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trong sản xuất lúa, hiện nay gia đình tôi đều áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng an toàn. Cho nên ngoài việc sử dụng phân thuốc cũng thực hiện theo hướng an toàn, sinh học và việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tôi thực hiện đúng quy định”.
Còn ông Hàng Văn Thắng, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Hiện nay với những mô hình thu gom rác thải, tổ vệ sinh môi trường, bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được Nhà nước đầu tư ở các địa phương tôi thấy rất thiết thực và hiệu quả. Vì góp phần thay đổi thói quen cho người dân trong việc thu gom, xử lý các loại rác thải khác nhau. Riêng đối với gia đình tôi, hiện nay trên diện tích sản xuất nông nghiệp chủ yếu trồng cây ăn trái. Theo đó, trong quá trình canh tác gia đình tôi đều chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, để làm ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Cho nên bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tôi đều ý thức gom để đúng nơi quy định”.
Thời gian qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chỉ đạo UBND cấp xã đã rà soát, củng cố, thành lập mới 441 tổ vệ sinh môi trường trên tổng số 525 ấp, khu vực trong tỉnh. Trong đó, có 373 tổ đi vào hoạt động thu gom rác thải. Đồng thời, đã triển khai hoàn thành dự án xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Kết quả, có 1.031 xe kéo tay thu gom rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật và có 1.498 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển các mô hình về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp đều ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được nghiên cứu có hiệu quả như sử dụng chất thải rắn sinh hoạt thực phẩm, chất thải canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để ủ biogas hoặc ủ phân compost. Đến nay, có 61 điểm mô hình về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp, 387 điểm mô hình về cảnh quan môi trường và 187 điểm mô hình về ứng phó biến đổi khí hậu…
Ông Nguyễn Đức Tài, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vị Thanh, cho biết: Đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố đã thi công hoàn thành và bàn giao cho các phường, xã 97 hố chứa vỏ chai, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, 98 xe thu gom rác thải, 45 xe thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, 200 thùng rác tạo cảnh quan môi trường, 270 thùng rác gỗ công cộng và 5.150 cây xanh. Đối với việc tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, trong 3 năm qua, thành phố đã thu gom, chuyển giao xử lý 3.248kg. Hiện nay các mô hình về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mô hình về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp, mô hình về cảnh quan môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đang được thành phố thực hiện và duy trì.
Đối với huyện Vị Thủy, thông qua các mô hình thiết thực bảo vệ môi trường đã tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý trong năm 2023 với tổng khối lượng chất thải rắn nguy hại thu gom là 3.150kg, trong đó khối lượng bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng là 908kg và khối lượng chất thải là thủy tinh, sành sứ 2.242kg.
Chỉ tính riêng trong năm qua, các ngành chức năng và hội đoàn thể trong tỉnh phối hợp cùng doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để tổ chức thu gom, thu hồi xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với 18.370kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. |
Nguồn: Hành động thiết thực vì môi trường