Hậu Giang: Hiệu quả mô hình cà phê nông dân
Lãnh đạo địa phương và nông dân cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sản xuất trong buổi ra mắt mô hình “Cà phê nông dân - Gắn với phát triển kinh tế gia đình” tại phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy. |
Không hàng quán khang trang, không tiền trà nước, không chuyện phiếm vô bổ, đó là những nét đặc trưng của mô hình “cà phê nông dân”, nơi đây quy tụ nông dân là hội viên của hợp tác xã, tổ hợp tác cho đến bà con nông dân tự do ở địa phương. Ra mắt từ tháng 7-2024, mỗi buổi họp mặt có từ 30 nông hộ trên địa bàn tham gia, cứ vào mỗi thứ 6 tuần cuối tháng, các thành viên và chính quyền sẽ tập trung tại quán cà phê hoặc tại nhà của một hộ dân trên địa bàn để cùng nhau trao đổi, chia sẻ cách làm ăn, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hiệu quả.
Mới tờ mờ sáng, lão nông Phạm Thành Phải, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu, đã cùng với mấy ông bạn già vừa nhâm nhi ly cà phê vừa bàn tán xôm tụ về những vấn đề liên quan đến mùa vụ, con giống, tưới tiêu, phân thuốc. Ông Phải bộc bạch: “Từ khi mô hình “cà phê nông dân” được triển khai, cứ mỗi sáng thứ 6, tôi lại cùng với mấy ông bạn già tụ họp tại quán trao đổi kinh nghiệm canh tác, đọc sách báo để cập nhật một số kiến thức mới mỗi ngày. Mỗi buổi cà phê còn có lãnh đạo địa phương, các cán bộ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, chúng tôi có cần gì thì có thể trao đổi, trò chuyện trực tiếp”.
Còn ông Phan Văn Vĩnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực 3, phường Lái Hiếu thì cho rằng, cái hay của mô hình “cà phê nông dân” là giúp cho bà con nông dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt được những thông tin thời sự, có cơ hội gần gũi với các nhà khoa học hơn, từ đó giúp bà con yên tâm trong sản xuất.
Có 10 công đất trồng chanh không hạt, ông Vĩnh tâm sự: “Bà con vùng này chủ yếu là trồng mía và các loại cây ăn trái khác kém hiệu quả, thấy vậy nên tôi đã mạnh dạn chuyển qua trồng chanh không hạt hồi cuối năm 2019. Kết quả là mỗi năm vườn chanh cho năng suất trên 20 tấn, ở đây ai cũng nói tôi là làm giàu từ cây chanh. Những kinh nghiệm mà tôi có đều chia sẻ với bà con ở những buổi cà phê nông dân do phường tổ chức”.
Theo anh Trương Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Lái Hiếu, thời gian qua, địa phương tập trung vận động người dân tham gia các mô hình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, mít, chanh không hạt… Kết quả từ đầu năm đến nay đã chuyển đổi 21ha đất trồng mía và cam sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Hầu hết các nông dân tham gia “cà phê nông dân” đều có chung nhận xét rằng mô hình này đã từng bước giúp cho bà con nông dân nhanh chóng cập nhật được những thông tin mới, từng bước cải thiện được năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi. Cà phê nông dân là địa điểm tập hợp những kinh nghiệm hay, cách làm mới và sáng tạo của bà con nông dân”, anh Trương Quốc Bảo chia sẻ thêm về mô hình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Lái Hiếu, cho biết: Mô hình “Cà phê nông dân - Gắn với phát triển kinh tế gia đình” là tâm huyết được hình thành trên cơ sở phối hợp giữa Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân xã. Đây còn là nguyện vọng của nông dân địa phương mong muốn được cùng nhau học hỏi, chia sẻ những cái hay, cái mới trong phát triển sản xuất. Ngoài ra, đây còn là kênh kết nối hữu hiệu để chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn gặp gỡ nông dân. Người dân có tâm tư, nguyện vọng hoặc là có những thắc mắc cũng sẽ cởi mở, dễ dàng chia sẻ hơn so với những buổi hội họp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình tới những hội, đoàn thể khác của phường để ngày càng có nhiều thành phần tham gia.
Sau hai lần ra mắt, sinh hoạt, tất cả các thành viên đều rất ủng hộ vì nhiều lợi ích từ mô hình mang lại. Bà con tin rằng thông qua những buổi hội thảo, những lần trao đổi cởi mở, thẳng thắn giữa nông dân với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn thì sẽ tìm ra được những hướng đi đúng đắn nhất trong việc phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại phường Lái Hiếu.
Nguồn: Hiệu quả mô hình cà phê nông dân