Hậu Giang: Hướng mở cho tín dụng nông thôn
Hậu Giang: Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo Hậu Giang: Thay đổi thói quen để tiết kiệm điện |
Tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 25.244 tỉ đồng, tăng trưởng 4,27% so với cuối năm 2023. |
Thí điểm đề án tín dụng
Chiến lược phát triển và Quy hoạch tỉnh về kinh tế giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào “bốn trụ cột”, đó là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng đã được Tỉnh ủy cụ thể tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Theo các mục tiêu này, dự kiến đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 18.000 USD/người/năm, tăng 14.761 USD so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, là một tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong vùng và cả nước, quy mô kinh tế nhỏ, GRDP chỉ chiếm khoảng 4% tổng GRDP toàn vùng. Ba tụt hậu đã được tỉnh nhận diện, trong đó quy mô kinh tế nhỏ và khoảng cách chênh lệch ngày càng tụt xa và tăng trưởng kinh tế giảm dần và thấp hơn mức tăng cả nước.
Do đó, để đảm bảo xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, du lịch trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng được bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện đáng kể, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2026-2030, tiến tới trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của khu vực thì đòi hỏi nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần thiết có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh, phát triển các chuỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ trong hoạt động giám sát, đôn đốc hoạt động vay vốn, trả nợ các tổ chức tín dụng từ người sử dụng vốn.
Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các đối tượng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và một số lĩnh vực trọng yếu khác đã và đang được tỉnh triển khai áp dụng, dư nợ cấp tín dụng của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực này luôn duy trì và tăng trưởng.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu nêu trên, theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thì cần phải đổi mới phương thức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó phải có biện pháp gắn kết, tạo sự đồng bộ trong việc thực thi, áp dụng hiệu quả nhất các chính sách của tỉnh và ngành ngân hàng cho người thụ hưởng, giúp nông dân có đủ vốn với chi phí hợp lý, người vay vốn phải có sự gắn kết trong các khâu của quá trình sản xuất, cung ứng, chế biến, tiêu thụ, vừa giúp tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm vừa tạo điều kiện để giới thiệu sản phẩm của tỉnh đến người tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp sử dụng phần lớn tài nguyên, trong đó 80% dân số, 83% diện tích đất, hơn 60% giá trị vốn cho vay toàn nền kinh tế của các tổ chức tín dụng, nhưng giá trị đóng góp cho cơ cấu nền kinh tế chưa tương xứng, giá trị tạo ra chiếm khoảng 21,95%, tương đương 13.050 tỉ đồng.
Mặt khác, giá trị bình quân vốn cho vay trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tương đối thấp, khoảng 178 triệu đồng/ha (24.010 tỉ đồng/135.000ha đất nông nghiệp). Điều này cho thấy ngoài việc nông sản của tỉnh có giá trị không cao, còn xuất hiện nguy cơ người cần vốn nhưng lại không tiếp cận được đủ nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nông dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.
Xuất phát từ những thực tế của địa phương, vừa qua UBND tỉnh đã có dự thảo Đề án thí điểm hỗ trợ trong hoạt động vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tại địa bàn nông thôn tỉnh Hậu Giang (Đề án). Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, Đề án có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết nhằm tạo sự đột phá để tạo nguồn thúc đẩy cho các lĩnh vực ở khu vực nông thôn phát triển về kinh tế, đóng góp thiết thực vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, cũng như Chiến lược phát triển của tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, hội đoàn thể chung tay thực hiện sẽ thúc đẩy nguồn vốn tín dụng được khơi thông dòng chảy về khu vực nông thôn. Mục tiêu chính là làm thế nào hỗ trợ cho người dân được vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Do đó, để thực hiện tốt Đề án thì ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các cấp, hội đoàn thể cần phối hợp làm cầu nối để giúp người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay, đồng thời nghiên cứu cơ chế ưu tiên phù hợp nhất đối với các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch địa bàn nông thôn.
Khơi thông nguồn vốn
Theo dự thảo Đề án thì mục tiêu tăng trưởng các giai đoạn như sau: giai đoạn 2024-2025, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm phục vụ nông nghiệp, nông thôn bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch tại địa bàn nông thôn là 14%/năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2018 đến tháng 6-2023 của lĩnh vực này là 2,27 điểm phần trăm), 70% dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dịch vụ tại địa bàn nông thôn.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh là 24.010 tỉ đồng, chiếm 60,01% tổng dư nợ cho vay, tăng 10.267 tỉ đồng (bình quân tăng 14,96%/năm) so với năm 2018. Mức lãi suất bình quân là 9,43%/năm, thấp hơn 0,15 điểm phần trăm so với mức lãi suất bình quân cho vay chung của toàn nền kinh tế và ở nhóm mức lãi suất bình quân thấp nhất trong tổng các nhu cầu vốn.
Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã chú trọng đầu tư vốn để ngành nông nghiệp tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm, thực hiện có hiệu quả các chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đối với lĩnh vực này. Còn đối với lĩnh vực du lịch thì dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực này thấp, chủ yếu là cho vay các loại hình lưu trú, nhà hàng, khách sạn.
Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang (Agribank Hậu Giang), cho rằng: Đề án thí điểm tín dụng của tỉnh rất hay, việc cho vay thông qua tổ vay vốn là rất tốt. Với mô hình cho vay qua tổ, chi nhánh thực hiện đã mang lại hiệu quả. Hiện tại, trong tổng nguồn vốn của chi nhánh thì dành thị phần địa bàn Hậu Giang chiếm 40%, dư nợ chiếm 33%, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 76%, tương đương gần 10.000 tỉ đồng. Sắp tới đây, tỉnh sẽ làm việc với Agribank để triển khai, nhân rộng mô hình cho vay này trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt hiện nay, phần lớn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm từ 20-50% so với tổng dư nợ. Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Hiện tại cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh của chi nhánh chiếm 30%, tương đương 1.500 tỉ đồng, chủ yếu cho vay về lúa gạo và chế biến nông sản.
Theo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, Đề án được thực hiện sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn đối với tín dụng nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ vay tiếp cận với nguồn vốn vay, có nhiều sự lựa chọn tổ chức tín dụng để vay vốn. Theo đó, tạo sự cạnh tranh trong cho vay giữa các ngân hàng. Đặc biệt, trong Đề án có cơ chế, chế tài cụ thể và sự vào cuộc của các tổ chức hội đoàn thể chính trị, các cấp chính quyền trong quản lý vốn, thu hồi vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như ngân hàng cho vay. Từ đó, nguồn vốn sẽ được khơi thông mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Theo Đề án, mục tiêu năm 2024, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 15,5%, hoàn thiện triển khai tổ vay vốn tại ít nhất 80% số xã trong tỉnh, trên 90% dư nợ cho vay tại các tổ có nợ xấu dưới 1%. |
Nguồn: Hướng mở cho tín dụng nông thôn