Hậu Giang: “Hương Vị Thanh” - Khởi đầu cho một sản phẩm ẩm thực ấn tượng
Khu ẩm thực “Hương Vị Thanh” được thiết kế trong không gian đặc sắc, hứa hẹn sẽ được phát huy trong thời gian tới sau Festival Áo bà ba. Ảnh: TRUNG QUÂN |
Khu ẩm thực với không gian xưa cũ, gợi nhiều cảm xúc
Không gian dành cho khu ẩm thực “Hương Vị Thanh” một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023. Nơi đây có không gian đẹp, được chăm chút không kém gì sân khấu chính cho sự kiện. Được xác định sẽ là sự khởi đầu cho một sản phẩm độc đáo, đặc sắc, sau lễ hội, tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy với việc khai thác khu này làm một điểm đến.
Để có được những gian hàng trưng bày ấn tượng, từ hơn tháng trước, những thợ mộc lành nghề đã bắt đầu thi công theo đúng ý tưởng của nhà thiết kế Minh Hạnh, Tổng đạo diễn Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023. Bà cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ, từ việc thiết kế và hoàn tất các gian hàng bằng cây, lá, xác định vị trí, cả việc chọn vật dụng bài trí trong không gian từng gian hàng.
Các gian hàng để lại nhiều ấn tượng với du khách bởi sự mộc mạc. Ảnh TRUNG QUÂN |
Tổng đạo diễn còn gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân để thống nhất món ăn, cách bài trí và tuân thủ nghiêm sự thay đổi đến việc hướng dẫn để các nghệ nhân có thể bắt nhịp và đồng hành. Một khu ẩm thực thật sự ấn tượng, trở về với không gian xưa cũ, ấm cúng và xúc động, bỏ qua những ồn ào, náo nhiệt ngoài cuộc sống. Người dân đến đây là được trải nghiệm không gian, thưởng thức những món ăn đậm vị quê, gần gũi và thân quen...
Mỗi nghệ nhân ẩm thực được hướng dẫn có thể sáng tạo để tạo nên những không gian rất đặc biệt nhưng gần gũi và thân thuộc, đưa không gian trở về với đặc trưng riêng bằng những món bánh dân gian, thức ăn từ đặc sản của Hậu Giang, được chế biến tại chỗ cho người dân thưởng thức. Tận dụng tất cả tài nghệ và khả năng “biến tấu” đầy sáng tạo của các nghệ nhân, hàng chục món ăn, thức uống từ cá và khóm: bánh thỏi vàng nhưn khóm, bánh mặn, ít trần, chả cá nhân rau củ chiên, chạo cá mía lau, snack da cá, pizza cá, xúc xích cá, bánh phồng cá... được ra mắt.
Từng không gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam bộ, gần gũi và hiền hòa. Đội ngũ bán hàng, phục vụ trong khu này bắt buộc phải mặc áo bà ba và hạn chế tối đa việc sử dụng bọc ni lông, thay vào đó sẽ gói, đựng hàng cho khách bằng lá chuối, lá sen, bẹ chuối, nếu khách ngồi ăn sử dụng chén, dĩa bằng đá... Bà Huỳnh Kim Phụng, ở phường I, thành phố Vị Thanh, có gian hàng thức uống trong khu ẩm thực, hồ hởi: “Mới có hơn 1 ngày, nhưng tôi rất mừng vì khách vừa ý với những loại thức uống tôi làm. Tôi thấy sự chuyên nghiệp này đã làm cho mình suy nghĩ nhiều hơn về một cách kinh doanh sao để vừa khai thác thế mạnh địa phương, thể hiện sự tự tin, niềm tự hào khi giới thiệu những món ăn, thức uống từ đặc sản quê nhà với mọi người”.
Câu chuyện tiếp sau...
Bằng tất cả tình yêu văn hóa Việt nói chung, văn hóa Nam bộ nói riêng, muốn là người khơi màu bằng những sáng tạo rất khác biệt của mình, nhà thiết kế Minh Hạnh đã làm bằng tất cả sự tâm huyết, hơn 100% sức lực, cùng ê kíp hoàn thành sản phẩm này. Bà chia sẻ: “Lúc đầu, tôi thật sự lo lắng, nhưng khi tìm hiểu nhiều hơn, thì ẩm thực Hậu Giang vẫn có những đặc trưng riêng. Tôi đã làm hết sức, để có được một không gian đẹp, những gian hàng sạch sẽ, bắt mắt và tạo ấn tượng nhất có thể để sau khi lễ hội kết thúc, Hậu Giang có thể tận dụng giữ lại, tính tới chuyện biến khu này thành một khu phố đi bộ và thưởng ngoạn phong cảnh, thưởng thức ẩm thực”.
Không gian ẩm thực đặc trưng ngay trong khuôn viên sân khấu chính, sẽ diễn ra lễ khai mạc Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 vào chiều 29-9, với sự tham dự của nhiều đại biểu Trung ương và địa phương, các vị Đại sứ, Tổng lãnh sự và Phu nhân... đây là một cách để tôn vinh và giới thiệu ẩm thực Hậu Giang.
Trong chuỗi sự kiện này, UBND tỉnh còn phối hợp tổ chức giao lưu với đầu bếp nổi tiếng Nhật Bản Kazuhiro Matsuishi, để xem ông trình diễn cách xử lý và chế biến cá thát lát, lươn và chia sẻ kinh nghiệm về cách xử lý, chế biến để có thể giữ lại hương vị, giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm rất ngon này, đặc biệt là cá thát lát, đặc sản của Hậu Giang.
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: “Trước nay, chưa khi nào nghĩ cá thát lát có thể ăn sống. Khi chuyên gia ẩm thực xử lý và chế biến, ăn rất ngon. Đây là điều hứa hẹn cho sự phát triển của cá thát lát Hậu Giang, trước mắt là khai thác, nâng tầm giá trị ẩm thực để tạo nét đặc trưng, làm phong phú cho ẩm thực Hậu Giang, bên cạnh hàng trăm món ăn từ cá thát lát đã được xác lập kỷ lục Việt Nam. Từ sự gợi ý của đầu bếp Nhật, chắc chắn tỉnh sẽ nghiên cứu để có thể phát huy, nâng tầm giá trị của loại cá này trong thời gian tới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế ẩm thực, để phát triển du lịch là điều mà tỉnh đang quan tâm. Đó cũng là lý do thời gian gần đây, ẩm thực Hậu Giang được quan tâm, chăm chút và tạo mọi điều kiện để quảng bá. Các nghệ nhân có nhiều cơ hội hơn để thể hiện tài năng, bản lĩnh, tạo nên những món ăn, thức uống ngon từ sản vật của địa phương để tạo sự khác biệt!
Nguồn: “Hương Vị Thanh” - Khởi đầu cho một sản phẩm ẩm thực ấn tượng