Hậu Giang: Huy động nguồn lực phát triển đô thị
Hậu Giang: Đầu tư cơ sở hạ tầng: Mở hướng cho du lịch Hậu Giang: Rà soát, đề xuất nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển du lịch |
Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết. |
Phát triển mạnh cả số lượng lẫn chất lượng
Đến cuối năm 2020, cả nước có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% tháng 6-2022. Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đô thị Việt Nam cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và các thách thức cần vượt qua như: Quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; thiếu nhà ở xã hội; tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế…
Tại Hậu Giang, từ khi thành lập tỉnh đến nay, hệ thống đô thị tăng khá nhanh về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỉnh có 18 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 15 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt ước đạt 29,75%. Theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ có 19 đô thị (trong đó 1 thành phố đô thị loại II, 1 thành phố và 1 thị xã đô thị loại III, 4 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V (11 thị trấn, 1 đô thị mới).
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển đô thị còn hạn chế, chủ trương của tỉnh thời gian qua cũng như tới đây là tận dụng tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực là trọng tâm để đẩy mạnh phát triển đô thị. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết.
Ông Đoàn Lê Thanh, Giám đốc phát triển dự án Khu vực 6 - Tập đoàn TNG Holdings Vietnam, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển của tỉnh Hậu Giang. Việc phát triển các dự án đô thị sẽ giúp người dân thụ hưởng chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, dịch vụ xã hội đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn. Kinh tế đô thị phát triển, thu nhập tăng, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động”.
Về định hướng phát triển đô thị, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị nhằm gia tăng tính kết nối giữa các đô thị của tỉnh với nhau, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị phù hợp với quan điểm chỉ đạo và định hướng phát triển của tỉnh. Phát triển đô thị phải đồng thời giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; phải gắn với xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, nâng chất đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và một điều đặc biệt quan trọng là tiếp tục củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đồng lòng ủng hộ các chủ trương, nhiệm vụ phát triển.
“Trong phát triển đô thị, các dự án đô thị phải gắn chặt với mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh; chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở, đề án Hậu Giang xanh, đề án Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, đảm bảo hài hòa, đồng bộ từ giải pháp đến tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục các giải pháp thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở...”, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm.
3 trụ cột chính
Phát biểu tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.
Thứ hai là nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá. Công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng. Quy hoạch tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ phù hợp với nguồn lực”.
Thứ ba là nhóm nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực, có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa nguồn lực Nhà nước với các nguồn lực xã hội; đồng thời tiết kiệm, tăng thu, giảm chi, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Thứ tư là nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Vì phát triển đô thị không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngành cần rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất, hình thành sức mạnh tổng hợp trong phát triển đô thị vì lợi ích chung và mục tiêu chung.
Thứ năm là nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhất là trong việc xử lý những điểm nghẽn trong phát triển đô thị. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị.
Nguồn: Huy động nguồn lực phát triển đô thị