Hậu Giang: Khí thế mới và kỳ vọng mới
Hậu Giang: Khóm Queen Cầu Đúc đạt chuẩn GlobalGAP: “Lên đời” nông sản chủ lực Hậu Giang: Thương mại chạm ngõ 4.0 |
Người lao động làm việc tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh |
.Đặt mục tiêu cao hơn năm trước
Tại khu công nghiệp (KCN) cũng như cụm công nghiệp (CCN), nơi có không khí sản xuất sôi động bậc nhất của tỉnh, nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau chọn năm nay là năm khởi động của các kế hoạch nhắm tới mục tiêu cao hơn về sản xuất - kinh doanh, cả về quy mô và chất lượng.
Như Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, KCN Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, đạt kết quả tăng trưởng năm 2022 khá ấn tượng - trên 17% và doanh thu tổng công ty đạt 4.600 tỉ đồng, trong đó hàng sản xuất tại nhà máy là 3.900 tỉ đồng. Ông Đoàn Đình Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, chia sẻ: Để có được kết quả ấn tượng đó, ngoài sự nỗ lực của toàn công ty còn có sự hỗ trợ và đồng hành của tỉnh Hậu Giang để doanh nghiệp có thêm sức mạnh, vượt qua những thời điểm khó khăn và thử thách. Tiếp nối thành công đó, năm 2023 Dược Hậu Giang lên kế hoạch doanh thu đạt 5.000 tỉ đồng, cùng với đó là nâng cao công tác tổ chức sản xuất, phân phối và kết nối khách hàng.
Tại Công ty TNHH MTV Masan Brewery Hậu Giang, ông Nguyễn Đăng Châu, Giám đốc sản xuất, cho biết: Từ kết quả sản xuất đã phục hồi và ổn định của nhà máy, sản lượng 80 triệu lít bia năm 2022, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 40% so với năm trước. Để đạt con số đó, công ty dành khoản đầu tư tương xứng cho nhà máy là khoảng 1.000 tỉ đồng, thêm một điều đáng mừng khi dự án mới chính thức đặt những viên gạch đầu tiên. Dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm miền Tây 2 trong đó có phân khu riêng cho nhà máy sản xuất bia, góp phần nâng tổng công suất lên tầm 200 triệu lít/năm, thể hiện mong muốn phát triển, mở rộng và đưa sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Trở lại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, năm nay không khí sản xuất hứa hẹn sôi động hơn hẳn các năm trước khi các nhà máy đạt mục tiêu tuyển dụng đủ công nhân để đi vào hoạt động hết công suất. Theo Công ty TNHH Unipax Vị Thanh, sau các đợt tuyển dụng và phối hợp cùng địa phương đào tạo nghề theo địa chỉ, công ty đã tuyển dụng đủ chỉ tiêu 2.500 lao động, trong đó khoảng 70% là lao động trong tỉnh. Dù mới hoạt động nhưng lực lượng lao động tại nhà máy được các cấp quản lý đánh giá cao về tinh thần làm việc và tay nghề, đưa chất lượng chung của nhà máy đi lên. Đây là bước khởi đầu tốt để công ty hướng tới sản xuất ra 1,2 triệu sản phẩm/tháng trong năm nay.
Để công nhân yên tâm làm việc
Tập trung các mục tiêu về sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp không quên cả chăm lo và cải thiện điều kiện lao động, thực hiện các chế độ phúc lợi, dành sự quan tâm, động viên kịp thời vào các dịp lễ, tết để người lao động có thêm động lực cống hiến, tinh thần trách nhiệm đưa doanh nghiệp hoàn thành các mục tiêu lớn. Nhất là yếu tố lao động được các doanh nghiệp khi đầu tư vào Hậu Giang đánh giá tốt bởi tính cần cù, chịu khó, gắn bó với công việc lâu dài, trình độ ngày càng nâng cao, nhiều người qua thời gian làm việc, đào tạo đã nắm giữ các vị trí cao trong các công ty.
Chia sẻ về những chế độ ngày tết cho người lao động, ông Bùi Đông Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Jia Zhi, ở Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, thông tin: Toàn công ty có khoảng 1.900 lao động, trong đó số lao động ở Hậu Giang chiếm trên 50%. Mức thưởng tết vừa qua trung bình là 1,1 tháng lương (lương cơ bản cho lao động tùy theo mức độ thạo nghề tại công ty từ 4,3-4,5 triệu đồng), riêng cấp quản lý trở lên sẽ thưởng dựa trên kết quả kinh doanh. Những tháng cuối năm 2022, khi tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp ngành may mặc ảnh hưởng khá lớn, đây có thể xem là nỗ lực không nhỏ của doanh nghiệp nhằm động viên và khích lệ anh chị em công nhân cùng gắn bó và đồng hành vượt qua thời điểm khó khăn.
Đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, số lượng lao động ít thường dưới 100 người nhưng không vì vậy mà các chế độ cho lao động bị lơ là. Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Hậu Giang chỉ có 45 lao động nhưng 80% trong số này là người sinh sống tại phường VII, thành phố Vị Thanh. Được biết số lượng người lao động ở xa cũng dần chuyển về đây làm ăn sinh sống và xây dựng nhà cửa. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua người lao động công ty khá phấn khởi với mức thưởng từ 3-30 triệu đồng, tùy theo vị trí công việc. Công ty còn lập quỹ tương trợ vốn xoay vòng không tính lãi khoảng 150 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ cho người lao động khi cần thêm nguồn tài chính trang trải cuộc sống.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai, hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án cho cả nhiệm kỳ, dự báo tình hình trong nước và tỉnh tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tại các chuyến thăm và làm việc cùng doanh nghiệp đầu năm đều dành nhiều thời gian lắng nghe, chia sẻ về những định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh nhà trong năm mới. Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng khi nghe những người đứng đầu doanh nghiệp thể hiện quyết tâm, vạch ra kế hoạch phát triển dài hạn, không lơ là yếu tố công nghệ, môi trường và dành nhiều nguồn lực chăm lo cho công nhân... Điều đó thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng của doanh nghiệp hòa cùng tinh thần chung của tỉnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.
Nguồn: Khí thế mới và kỳ vọng mới