Hậu Giang: Lao đao vì triều cường
Hậu Giang: Trồng ổi ruby lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công/năm Hậu Giang: Đẩy nhanh tiến độ để bàn giao thêm mặt bằng thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau |
Vườn dâu của ông Lê Văn Vân, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, bị nước ngập tràn vào vườn. |
Nhiều diện tích bị ngập
Nhìn vườn xoài cát Hòa Lộc đã trồng được 7 năm bị con nước lăm le đe dọa, ông Mười Vân (Lê Văn Vân), ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cho biết thở dài. Những năm trước, vườn xoài với diện tích 7ha cho khoảng 1 tấn trái. Tuy sản lượng không nhiều nhưng cũng đủ chi phí cho đời sống hàng ngày của gia đình ông. Năm nay, mực nước dâng cao hơn, mặc dù đã đắp đê bảo vệ vườn cây nhưng con nước vẫn xâm nhập vào. “Tôi có đặt máy bơm nước, nước vừa rút hôm nay thì hôm sau lại tràn vào. Giá cả xăng dầu vừa tăng vừa khó mua, để tránh lỗ nặng hơn, tôi đành phó mặc với hy vọng nước mau rút để còn cứu được vườn xoài”, anh Vân tâm sự.
Vườn dâu xanh cạnh nhà của gia đình ông Vân cũng chẳng khả quan hơn. Thời gian này năm trước, gia đình ông đã tiến hành thu hoạch dâu và cân bán tại chợ với giá 7.000 đồng/kg. Năm nay, vườn dâu chỉ còn lá và nhìn đâu cũng là nước. Ông cho biết, thấy con nước năm nay dâng cao nên quyết định cho cây dâu trổ bông trễ để tránh bị ảnh hưởng nhiều về năng suất và chất lượng quả. Gia đình sống nhờ vào 2 mảnh vườn mà năm nay chỉ mới thấy công đổ vào chứ vẫn chưa thấy được “quả ngọt”.
Tình hình trên cũng diễn ra với những người dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, là địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Năm nay, mía chục bán được giá cao nên nhiều hộ dân tại xã Hòa Mỹ đầu tư diện tích trồng mía để qua tết bán. Tuy nhiên, con nước ập đến, người dân không kịp trở tay, toàn bộ diện tích mía bị ngập trong nước gần 1 tháng nay, có dấu hiệu xuống lá, bắt đầu chết. Người dân cho biết, mặc dù khu vực này có đê bao, nhưng con nước năm nay quá cao, tràn qua cả mặt lộ nên bơm nước là điều không thể.
Thông tin từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, sau hai đợt triều cường lập đỉnh trong tháng 10 và đầu tháng 11, toàn huyện có hàng ngàn héc-ta cây ăn trái, rau màu, mía của nông dân bị ngập sâu. Nhiều diện tích cây ăn trái chịu nước kém như: mít, chanh không hạt, bưởi đã có dấu hiệu xuống lá.
Người dân khó khăn
Bà Trần Thị Phấn, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, sống quanh năm nhờ vào trồng lúa, trồng rau. Bà Phấn chia sẻ, thời điểm trước, mảnh vườn của gia đình trồng đủ các loại rau như: rau muống, tía tô, xà lách, rau thơm… nên mỗi lần thu hoạch, có lãi nhiều do được giá và thu hoạch đồng loạt. Mấy tháng nay, nước ngập tràn vào vườn rau, không thể trồng các loại cải xanh, xà lách nên gia đình chỉ trồng rau muống do đặc tính chịu nước. Với 1kg hạt giống được gieo thì thu hoạch khoảng 15kg, năng suất giảm gần một nửa so với trước đây. Trung bình một ngày gia đình thu hoạch khoảng 20kg rau muống cân cho tiểu thương tại các điểm chợ…
Đồng cảnh ngộ, vườn rau của ông Phạm Văn Dũng, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cũng chỉ còn trồng được rau muống. Mặc dù là giống rau chịu nước tốt nhưng với mực nước dâng cao như hiện nay thì cũng khó tránh khỏi tình trạng xuống lá làm cho năng suất và chất lượng rau giảm đáng kể. Mỗi ngày ông thu hoạch và bán khoảng 25kg rau muống với giá 17.000 đồng/kg, nhưng chi phí đầu tư nhiều và thu hoạch không đồng loạt nên lãi không còn bao nhiêu.
“Mấy ngày nay, trạm bơm hoạt động nên nước cũng bắt đầu rút xuống. Nhiều gia đình ở khu vực này tranh thủ gieo sạ lúa Đông xuân thì gặp phải mấy trận mưa lớn, nước ngập sâu. Những năm trước, có trạm bơm nên dù nước có ngập thì gia đình tôi và những hộ xung quanh đây vẫn xuống giống sớm. Năm nay, con nước cao hơn mọi năm, thêm mưa nhiều nên nông dân gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Giá cả nhảy vọt
Nguồn cung khan hiếm, giá cả các loại rau màu, trái cây được đà tăng vọt. Theo ghi nhận tại một số chợ truyền thống thì xà lách và rau thơm là loại nông sản tăng mạnh nhất, ở mức 40.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg. Các loại rau màu khác hiện ở mức 15.000-30.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc khoảng 30.000-40.000 đồng/kg; mãng cầu từ 50.000-55.000 đồng/kg; những loại trái cây khác tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg.
Theo bà Bảy Hương, một tiểu thương tại chợ Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, mấy ngày gần đây, nhiều loại rau rơi vào tình trạng khan hiếm hàng, một phần vì mưa lớn làm rau dập nhiều, phần nữa là do diện tích rau trồng bị ngập, nguồn cung không đảm bảo số lượng như ngày thường, đôi lúc phải nhập rau từ các chợ lớn về với giá cao nên bán ra lại càng cao hơn. Từ đó, sức mua của người dân cũng giảm đáng kể so với thời gian trước.
“Giá cả tăng vọt khiến nhiều sạp rau bị ế hàng. Nhiều lúc lấy hàng, tôi chỉ lấy một nửa so với bình thường, vì giá cao sẽ khó bán. Năm nào mùa mưa dầm cũng có tình trạng này, nhưng năm nay tình hình ngập sâu và kéo dài nên người dân trồng rau màu khó sản xuất nên khả năng tới đây nguồn cung càng khan hiếm”, bà Bảy Hương cho biết thêm.
Nhiều người đi chợ cũng than vì giá tăng, ngoài rau xanh còn nhiều loại rẫy dây tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, trong khi đó chất lượng không đồng đều. Cả khu vực chợ nông thôn Vị Thanh buổi sáng chỉ có vài bạt còn bày bán khổ qua nhưng có chỗ vàng héo, có chỗ trái nhỏ chưa tới lứa.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết tình hình mưa bão, triều cường còn diễn biến phức tạp, do đó các địa phương trong tỉnh và người dân cần chủ động gia cố đê bao, bờ bao để bảo vệ thành quả sản xuất. Riêng vụ lúa Đông xuân 2022-2023, do triều cường còn cao nên nông dân không thể gieo sạ vào đợt 1 như lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, vì vậy ngành chức năng và người dân cần chủ bị chu đáo các điều kiện để tập trung xuống giống vào đợt 2 từ ngày 26-11 đến 2-12 nhằm né hạn, mặn về sau...