Hậu Giang: Linh hoạt ứng phó BĐKH góp phần giảm nghèo bền vững
Trong thời gian qua, người dân tỉnh Hậu Giang đã chủ động, linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp để ứng phó với BĐKH, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững |
Linh hoạt ứng phó để đảm bảo nguồn thu nhập
Trong những năm gần đây, các hiện tượng cực đoan của BĐKH như sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, tỉnh Hậu Giang đã chủ động lồng ghép vấn đề thích ứng với BĐKH vào trong các chương trình, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực; xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho mỗi giai đoạn cụ thể; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân linh hoạt triển khai các giải pháp để ứng phó theo hướng thuận thiên, qua đó góp phần giảm thiểu đáng kể những thiệt hại do BĐKH gây ra trong thời gian qua.
Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, do đó để đảm bảo sản lượng, chất lượng, diện tích sản xuất lúa, cây ăn trái trước những tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết, trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu; hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác; thay đổi mùa vụ, mô hình canh tác, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh.
Từ năm 2019 đến nay nhờ có sự linh hoạt trong quá trình canh tác hơn 7 công đất mà cuộc sống gia đình ông Nguyễn Thanh Ngọ ở ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A đỡ vất vả hơn. Chia sẻ với Phóng viên, ông Nguyễn Thanh Ngọ cho biết: “Trước đây việc sản xuất lúa của gia đình tôi luôn gặp khó khăn, năng xuất thấp do năm nào cũng đối diện với tình trạng thiếu nước, cộng với nắng, mưa ngày càng thất thường. Năm 2019, tôi đã mạnh dạn lên líp chuyển đổi 5 công đất lúa sang trồng chuối, cây màu ngắn ngày. Với cách làm này không chỉ giúp tôi thích ứng với hiệu quả với thời tiết, nguồn nước mà còn đảm bảo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình”.
Chính từ sự chủ động, linh hoạt trong việc ứng phó với BĐKH đã giúp cho tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành A những năm gần đây luôn đảm bảo năng xuất, chất lượng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành A, trong năm 2023 huyện có 336 hộ dân thoát nghèo bền vững. Đến đầu năm 2024, huyện Châu Thành A chỉ còn 312 hộ nghèo, hiện tại các cơ quan, đơn vị đại phương này đang tập trung hỗ trợ giúp các hộ nghèo sớm thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Hậu Giang đang triển khai xây dựng đê kè kiên cố để ứng phó với sạt lở đất tại một số tuyến sông, kênh rạch, bảo vệ đất đai, nhà cửa cho người dân |
Tiếp tục triển khai các giải pháp
Trước đây, cứ bước vào thời điểm mùa khô hàng năm, người dân ở huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh lại lo lắng mặn xâm nhập vào các kênh, rạch ảnh hưởng đến nguồn nước. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng, người dân đã chủ động, linh hoạt tích trữ nước trong các ao, kênh rạch, lu khạp để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng cũng như phục vụ cho các sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ thế, một số hộ dân còn tận dụng nguồn nước mặn để nuôi tôm, cua,… cải thiện thu nhập cho gia đình.
Theo ngành chức năng huyện Long Mỹ, trong thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện đã tận dụng nguồn nước mặn để nuôi tôm với diện tích khoảng 25 ha. Sau khoảng 6 tháng thả nuôi trừ đi tất cả các chi phí người dân thu lợi nhuận từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Thông tin với Phóng viên, bà Bùi Thị Kim Chúc, Phó trưởng trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ cho rằng, mô hình nuôi tôm trên đất lúa vừa mang tính thích ứng với BĐKH, vừa góp phần phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường. “Trong thời gian tới, huyện Long Mỹ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ người dân để nhân rộng mô hình này tại các vùng bị xâm nhập mặn và vùng chỉ sản xuất được 01 vụ lúa, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ nghèo bền vững trên địa bàn huyện”- bà Bùi Thị Kim Chúc cho biết thêm.
Dự báo từ ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cho thấy, tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, hạn hán, thời tiết cực đoan sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường trên địa bàn tỉnh, vì vậy trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả “ Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao, kết hợp với đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất; đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản; xây dựng hạ tầng thủy lợi, kết hợp hệ thống giao thông phục vụ máy móc cơ giới lưu thông và vận chuyển sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh phong trào trồng cây lâm nghiệp phân tán nhằm góp phần hạn chế xói mòn đất trên các tuyến sông, kênh rạch, tạo cảnh quan môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống cho người dân; đồng thời tập trung các nguồn lực xây dựng hoàn thiện các khu, tuyến dân cư để bố trí, sắp xếp nơi ở ổn định cho những hộ dân nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Song song với đó, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ xây dựng mới các hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn có công nghệ xử lý nước đạt quy chuẩn quốc gia; mở rộng, nâng cấp và nối mạng cấp nước đến các xã thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán, mặn xâm nhập nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các sinh hoạt cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng đầu tư hiện đại hoá phương tiện thông tin liên lạc, dự báo, cảnh báo thiên tai đến cộng đồng dân cư, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư kiến thức, thông tin liên quan đến các vấn đề về BĐKH; tăng cường truyền tải các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai giúp người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống.
Nguồn: Hậu Giang: Linh hoạt ứng phó BĐKH góp phần giảm nghèo bền vững