Hậu Giang: Nan giải xử lý rác thải nông nghiệp
Thu gom vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ đem đi tiêu hủy. Ảnh: T.TRÚC |
Canh tác gần 1ha cây ăn trái, mỗi năm ông Nguyễn Văn Chệt, ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, sử dụng gần 1 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Lượng rác thải bao bì và vỏ chai thuốc BVTV thải ra gần 10kg. Nếu thời điểm trước, ông Chệt bỏ hẳn ngoài vườn hoặc thu lượm về đốt. Nhưng khoảng một năm trở lại đây được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, phân tích những tác hại của việc xử lý rác thải nông nghiệp không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chính sức khỏe các thành viên trong gia đình nên gần đây sau mỗi lần sử dụng ông Chệt đã chịu khó thu nhặt về sau đó mang đi bỏ vào các hố xử lý bao bì, vỏ chai thuốc BVTV được chính quyền địa phương xây dựng cách nhà ông gần 1km.
Ông Chệt cho biết: “Môi trường hiện tại đang bị ô nhiễm, do đó đòi hỏi ý thức của người dân phải được nâng lên. Nếu không nhận thức và quan tâm đúng mức sẽ thiệt hại về môi trường sau này rất nhiều. Đó là chuyện của tương lai, nhưng nhìn trước mắt nếu rác thải từ thuốc BVTV không được xử lý mà thải ra môi trường thì bản thân mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp, sau đó sẽ đến con cháu của mình. Vì lượng phân, thuốc BVTV sử dụng không hết thấm xuống đất gây hậu quả rất nặng nề”.
Nhận thức của ông Chệt cũng đã phần nào phản ánh được những hậu quả mà rác thải từ sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Bởi lượng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc trừ sâu còn sót lại trong chai, lọ... được vứt ra môi trường, dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ... có thể gây ra ngộ độc cấp tính cho người tiếp xúc. Vì nông dược là loại hóa chất có chứa các nguyên tố như: hợp chất asen, thủy ngân, chì... có độc tính cao, thời gian lưu lại trong đất lâu, có loại tồn tại từ 10-20 năm; chúng được cây trồng hấp thụ và tích tụ trong quả, lá, hạt... sẽ ảnh hưởng đến vật thể tiêu thụ chúng. Về lâu dài, lượng thuốc BVTV tồn dư này sẽ là nguyên nhân chính làm hoang hóa tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và chất lượng hàng hóa.
Anh Võ Văn Trung, nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình canh tác gần 1,5ha sầu riêng. Trước đây, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng đa phần được bỏ ngoài vườn. Nhưng cách đây khoảng 1 năm, nhân công làm vườn của gia đình bị thương bởi miễng chai thuốc BVTV nên hiện nay sau khi sử dụng, lượng rác thải này đều được cẩn thận thu gom về. Mặt khác, hiện nay vườn sầu riêng của gia đình đang sản xuất theo hướng VietGAP nên cách làm này cũng là một trong những yêu cầu cần thiết để hướng đến quy trình sản xuất sầu riêng sạch”.
Để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường đặc biệt là xử lý rác thải phân, thuốc BVTV sau sử dụng, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cũng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, lồng ghép trong các cuộc họp chi hội phụ nữ, nông dân tuyên truyền về tác hại của rác thải nông nghiệp cũng như hướng dẫn cách thức xử lý bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau sử dụng. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Vấn đề sử dụng thuốc BVTV rồi bỏ vỏ chai trên các cánh đồng thời gian trước đây rất phổ biến. Nhưng gần đây các hội, đoàn thể, Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên Môi trường có triển khai xây dựng các hố chứa các loại rác thải này nên cũng giúp người dân từng bước hình thành ý thức xử lý các loại rác thải này đúng nơi quy định. Riêng đối với các chai lọ khó tiêu hủy thì hàng năm Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh có tổ chức thu gom mang đến các nơi đảm bảo để tiêu hủy.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, với diện tích sản xuất hơn 40.000ha, năm qua nông dân trong huyện đã sử dụng và phát thải ra hơn 30 tấn vỏ chai bao bì thuốc BVTV, trong đó chỉ có khoảng 20% được nông dân đã chủ động bỏ vào các hố chứa đúng quy định, số còn lại vẫn chưa xử lý đúng quy định. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2022 huyện sẽ tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý ít nhất là 30% khối lượng phát sinh, đến năm 2025 con số này là 100%.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, nhận định: Nhìn chung, việc xử lý vỏ chai bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ở huyện Phụng Hiệp thời gian qua cũng còn khá hạn chế, ngoài nhận thức của người dân chưa cao thì cũng còn một nguyên nhân đến từ việc các hố chứa còn khá ít. Qua rà soát thì toàn huyện hiện chỉ mới có 120 hố chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV dọc theo các cánh đồng. Mật độ thưa nên việc người dân muốn mang đi bỏ đúng quy định cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong lộ trình thực hiện Đề án Hậu Giang xanh, hiện nay huyện Phụng Hiệp đang triển khai đầu tư xây dựng thêm 277 hố vỏ chai bao bì thuốc BVTV, trang bị 90 xe rác kéo tay, 300 thùng rác PVC 120 lít để cho người dân có nơi xử lý rác thải đúng quy định.
Xử lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nông nghiệp nói riêng đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Các địa phương trong tỉnh Hậu Giang cũng đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những nỗ lực của cơ quan chức năng như vậy là chưa đủ để thu gom, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước do chất thải nguy hại từ vỏ chai lọ thuốc BVTV gây ra. Do đó, hơn ai hết ý thức của người dân mới là yếu tố quyết định.
Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 2,5 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, bình quân 1ha sản xuất lúa mỗi vụ thải ra môi trường khoảng 0,5-1kg bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV, còn đối với rau màu và cây ăn trái thì lượng rác thải ra có thể gấp 2 lần. Tỉnh Hậu Giang, mỗi năm nông dân sử dụng một lượng khá lớn thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng và thải ra môi trường hàng chục tấn bao gói, vỏ chai. Nếu không xử lý đúng cách, lượng rác thải này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. |
Nguồn: Nan giải xử lý rác thải nông nghiệp