Hậu Giang: Nâng tầm giá trị cá thát lát
Hậu Giang: Phát huy hiệu quả chợ 4.0 Hậu Giang: Hướng đi cho nền nông nghiệp bền vững |
Sản xuất gắn với chế biến tại chỗ sẽ kéo giảm giá thành sản phẩm từ cá thát lát. Ảnh: DUY KHÁNH |
Có hơn 400m2 diện tích mặt nước nuôi cá thát lát, mấy năm gần đây, ông Trần Văn Hùng, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, liên tục gặp cảnh thua lỗ. Nguyên nhân là do nuôi nhỏ lẻ đến vụ thu hoạch nếu tránh được chuyện thương lái ép giá thì lại đối mặt với đầu ra gặp khó, giá bán thấp. Năm vừa rồi nhờ giá cá có khởi sắc nên gia đình ông Hùng có chút thu nhập, nhưng ông cũng khá dè chừng khi thả nuôi vụ mới. Ông Hùng cho biết: “Nuôi nhỏ lẻ thì chỉ bán thô cho thương lái. Khi cá tiêu thụ mạnh thì giá bán còn ổn định, còn cá dội chợ thì tiêu thụ rất khó khăn. Người nuôi cá thát lát ở huyện Phụng Hiệp nói chung đều mong muốn có nơi chế biến tại địa phương, khi đó bà con sẽ nuôi cung ứng theo chuỗi giá trị để an tâm sản xuất”.
Sản xuất theo chuỗi giá trị đang là xu hướng phát triển tối ưu trong sản xuất nông nghiệp thời hiện đại. Bởi chủ thể sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng với giá thành thấp. Và HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, là một trong những doanh nghiệp ở Hậu Giang thực hiện rất tốt mô hình sản xuất theo kiểu này. Với 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, mỗi năm HTX thu mua và chế biến hơn 500 tấn cá thát lát nguyên liệu. Để có nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất, ngoài 3ha tự có, HTX còn mạnh dạn liên kết với các hộ nuôi trong vùng sản xuất theo chuỗi giá trị trên diện tích 12ha. Đặc biệt năm 2023 này, HTX lên kế hoạch sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi cá thát lát theo hướng VietGAP từ 2ha lên 3ha để sản xuất sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị. Ngành hàng đang được HTX đầu tư mở rộng để tham gia đánh giá OCOP 5 sao cấp Trung ương.
Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng luôn chuộng sản phẩm sạch và chất lượng. Do vậy, HTX cũng đang đi theo hướng này để tiếp cận thị trường. Do đó, định hướng của HTX trong năm 2023 là sẽ từng bước mở rộng vùng nuôi. Đối với những diện tích liên kết sẽ hướng bà con sản xuất theo chuỗi giá trị. Còn đối với diện tích của HTX sẽ xây dựng và mở rộng theo hướng VietGAP. Song song đó, HTX cũng tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, hướng ngành hàng đi xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Kim Thùy, sau khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, thương hiệu được nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng biết đến nên HTX liên tục nhận được nhiều hợp đồng cung cấp với số lượng lớn. Hiện nay HTX đã mở rộng nhà xưởng, vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo cung ứng cho thị trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX cũng đã góp phần đảm bảo đầu ra cho hàng chục héc-ta nuôi cá nguyên liệu của các hộ nông dân trong và ngoài địa bàn.
Để nâng cao giá trị con cá thát lát, thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã quy hoạch vùng nguyên liệu cá, kêu gọi thành lập các cơ sở, nhà máy chế biến, liên kết mô hình các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ theo hình thức hợp tác liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị. Song song đó, đã phát triển được hơn 3ha sản xuất cá thát lát theo hướng VietGAP đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý tốt sức khỏe động vật thủy sản, giảm thiểu tác động đến môi trường, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Tính đến nay, huyện Phụng Hiệp đã quy hoạch được 5 vùng nuôi cá thát lát với diện tích khoảng 28ha ở các địa phương như: Hòa An, Tân Long, Tân Bình, Thạnh Hòa và thị trấn Cây Dương. Tổng sản lượng hơn 2.800 tấn mỗi năm. Trong đó hai cơ sở chế biến cá thát lát trên địa bàn là HTX Kỳ Như và Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát thu mua và chế biến chiếm gần 40% sản lượng.
Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 05 về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, huyện Phụng Hiệp đã nhờ Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi trong đó có con cá thát lát. Vì thực tế thời gian qua trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ nuôi rất thành công loài thủy sản này. Song song đó, trên địa bàn huyện cũng có một số cơ sở, doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cá thát lát. Do đó định hướng trong thời gian tới huyện giữ vững vùng nuôi, tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện chất lượng con cá thát lát. Đồng thời tập trung kêu gọi và hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng ngành nghề chế biến thủy sản, trong đó có con cá thát lát để đưa loài thủy sản này vươn xa hơn trên thị trường.
Trong tháng qua, toàn tỉnh cũng đã có khoảng 50ha được người dân thả nuôi cá thát lát trong tổng số hơn 1.900ha thủy sản. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình nuôi thủy sản thích nghi tại địa phương và có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cá thát lát. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích các địa phương, hộ dân, HTX xây dựng mô hình quản lý cộng đồng các hoạt động sản xuất thủy sản, trong đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, áp dụng quy trình GAP. Xây dựng mô hình sản xuất công nghiệp, mô hình liên kết giữa các nhóm hộ, HTX, doanh nghiệp nuôi thủy sản với các doanh nghiệp chế biến, các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước có khả năng tiêu thụ sản phẩm...
Nguồn: Nâng tầm giá trị cá thát lát